TIN VUI

Tuần san Bạn trẻ Công Giáo  -  Số 125 CN 24.02.2008

 

Web site:www.tinvui.org E-mail : bantreconggiao@yahoo.com

 

 

MỤC LỤC

 

Chúa Nhật III Mùa Chay A.

GẶP GỠ THA NHÂN.

KHOẢNG CÁCH.

Đức Thánh Cha tiếp kiến Tổng Tu Nghị thứ 35 của Dòng Tên.

Công bố Huấn Thị ”Sanctorum Mater” của Bộ Phong Thánh.

Đức Thánh Cha kết thúc tuần tĩnh tâm mùa chay 2008.

Chương trình chi tiết chuyến Tông Du của Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI tại Hoa Kỳ 

Nhóm Bác ái Giáo Phận Hải Phòng thăm Trại phong Chí Linh nhân dịp Mùa chay 2008 

TẢN MẠN: NĂM GIÁO DỤC KITÔ GIÁO.

NƯỚC & SỰ SỐNG.

NHÀ CHÚA HAY NHÀ CHÙA?.

ĐẤNG CHUỘC TỘI

BÀI GIẢNG TĨNH TÂM LINH MỤC GIÁO PHẬN NHA TRANG 14-18/01/2008.

MỞ ÐẦU LINH MỤC, CHỨNG TỪ SỐNG ÐỘNG CỦA NGƯỜI RAO TRUYỀN.

TỪ CẦU THỦ TÚC CẦU ĐẾN LINH MỤC.

Tế nhị - Điều quan trọng trong cuộc sống.

ĐÔI NHÍM MÙA ĐÔNG.

DẤU CHÂN CỦA THẦY.

 

 

SỐNG LỜI CHÚA

 

Chúa Nhật III Mùa Chay A

 

Ga 4, 5-42 (bài dài)

"Mạch nước vọt đến sự sống đời đời".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu tới một thành gọi là Sykar thuộc xứ Samaria, gần phần đất Giacóp đã cho con là Giuse, ở đó có giếng của Giacóp. Chúa Giêsu đi đường mệt, nên ngồi nghỉ trên miệng giếng, lúc đó vào khoảng giờ thứ sáu.

Một người đàn bà xứ Samaria đến xách nước, Chúa Giêsu bảo: "Xin bà cho tôi uống nước" (lúc ấy, các môn đệ đã vào thành mua thức ăn). Người đàn bà Samaria thưa lại: "Sao thế! Ông là người Do-thái mà lại xin nước uống với tôi là người xứ Samaria?" (Vì người Do-thái không giao thiệp gì với người Sa-maria).

Chúa Giêsu đáp: "Nếu bà nhận biết ơn của Thiên Chúa ban và ai là người đang nói với bà: 'Xin cho tôi uống nước', thì chắc bà sẽ xin Người, và Người sẽ cho bà nước hằng sống".

Người đàn bà nói: "Thưa Ngài, Ngài không có gì để múc, mà giếng thì sâu, vậy Ngài lấy đâu ra nước? Phải chăng Ngài trọng hơn tổ phụ Giacóp chúng tôi, người đã cho chúng tôi giếng này và chính người đã uống nước giếng này cũng như các con cái và đoàn súc vật của người?"

Chúa Giêsu trả lời: "Ai uống nước giếng này sẽ còn khát, nhưng ai uống nước Ta sẽ cho thì không bao giờ còn khát nữa, vì nước Ta cho ai thì nơi người ấy sẽ trở thành mạch nước vọt đến sự sống đời đời". Người đàn bà thưa: "Thưa Ngài, xin cho tôi nước đó để tôi chẳng còn khát và khỏi phải đến đây xách nước nữa". Chúa Giêsu bảo: "Bà hãy đi gọi chồng bà rồi trở lại đây". Người đàn bà đáp: "Tôi không có chồng". Chúa Giêsu nói tiếp: "Bà nói 'tôi không có chồng' là phải, vì bà có năm đời chồng rồi, và người đàn ông đang chung sống với bà bây giờ không phải là chồng bà, bà đã nói đúng đó".

Người đàn bà nói: "Thưa Ngài, tôi thấy rõ Ngài là một tiên tri. Cha ông chúng tôi đã thờ trên núi này, còn các ông, các ông lại bảo: phải thờ ở Giêrusalem".

Chúa Giêsu đáp: "Hỡi bà, hãy tin Ta, vì đã đến giờ người ta sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải ở trên núi này hay ở Giêrusalem. Các người thờ Đấng mà các người không biết, còn chúng tôi thờ Đấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ từ dân Do-thái mà đến. Nhưng đã đến giờ, và chính là lúc này, những kẻ tôn thờ đích thực, sẽ thờ Chúa Cha trong tinh thần và chân lý, đó chính là những người tôn thờ mà Chúa Cha muốn. Thiên Chúa là tinh thần, và những kẻ tôn thờ Người, phải tôn thờ trong tinh thần và trong chân lý".

Người đàn bà thưa: "Tôi biết Đấng Messia mà người ta gọi là Kitô sẽ đến, và khi đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự". Chúa Giêsu bảo: "Đấng ấy chính là Ta, là người đang nói với bà đây".

Vừa lúc đó các môn đệ về tới. Các ông ngạc nhiên thấy Ngài nói truyện với một người đàn bà. Nhưng không ai dám hỏi: "Thầy hỏi bà ta điều gì, hoặc: tại sao Thầy nói truyện với người đó?" Bấy giờ người đàn bà để vò xuống, chạy về thành bảo mọi người rằng: "Mau hãy đến xem một ông đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Phải chăng ông đó là Đấng Kitô?" Dân chúng tuôn nhau ra khỏi thành và đến cùng Ngài, trong khi các môn đệ giục Ngài mà rằng: "Xin mời Thầy ăn". Nhưng Ngài đáp: "Thầy có của ăn mà các con không biết". Môn đệ hỏi nhau: "Ai đã mang đến cho Thầy ăn rồi chăng?" Chúa Giêsu nói: "Của Thầy ăn là làm theo ý Đấng đã sai Thầy và chu toàn công việc Ngài. Các con chẳng nói: còn bốn tháng nữa mới đến mùa gặt đó ư? Nhưng Thầy bảo các con hãy đưa mắt mà nhìn xem đồng lúa chín vàng đã đến lúc gặt. Người gặt lãnh công và thu lúa thóc vào kho hằng sống, và như vậy kẻ gieo người gặt đều vui mừng. Đúng như câu tục ngữ: Kẻ này gieo, người kia gặt. Thầy sai các con đi gặt những gì các con không vất vả làm ra; những kẻ khác đã khó nhọc, còn các con thừa hưởng kết quả công lao của họ".

Một số đông người Samaria ở thành đó đã tin Người vì lời người đàn bà làm chứng rằng: "Ông ấy đã nói với tôi mọi việc tôi đã làm". Khi gặp Người, họ xin Người ở lại với họ. Và Người đã ở lại đó hai ngày, và vì nghe chính lời Người giảng dạy, số những kẻ tin ở Người thêm đông hẳn, họ bảo người đàn bà: "Giờ đây, không phải vì những lời chị kể mà chúng tôi tin, nhưng chính chúng tôi đã được nghe lời Người và chúng tôi biết Người thật là Đấng Cứu Thế". Đó là lời Chúa.

Hoặc đọc bài vắn này: Ga 4, 5-15. 19b-26. 39a. 40-42

Khi ấy, Chúa Giêsu tới một thành gọi là Sykar thuộc xứ Samaria, gần phần đất Giacóp đã cho con là Giuse, ở đó có giếng của Giacóp. Chúa Giêsu đi đường mệt, nên ngồi nghỉ trên miệng giếng, lúc đó vào khoảng giờ thứ sáu.

Một người đàn bà xứ Samaria đến xách nước, Chúa Giêsu bảo: "Xin bà cho tôi uống nước" (lúc ấy, các môn đệ đã vào thành mua thức ăn). Người đàn bà Samaria thưa lại: "Sao thế! Ông là người Do-thái mà lại xin nước uống với tôi là người xứ Samaria?" (vì người Do-thái không giao thiệp gì với người Samaria).

Chúa Giêsu đáp: "Nếu bà nhận biết ơn của Thiên Chúa ban và ai là người đang nói với bà: 'Xin cho tôi uống nước', thì chắc bà sẽ xin Người, và Người sẽ cho bà nước hằng sống".

Người đàn bà nói: "Thưa Ngài, Ngài không có gì để múc, mà giếng thì sâu, vậy Ngài lấy đâu ra nước? Phải chăng Ngài trọng hơn tổ phụ Giacóp chúng tôi, người đã cho chúng tôi giếng này, và chính người đã uống nước giếng này cũng như các con cái và đoàn súc vật của người?"

Chúa Giêsu trả lời: "Ai uống nước giếng này sẽ còn khát, nhưng ai uống nước Ta sẽ cho thì không bao giờ còn khát nữa, vì nước Ta cho ai thì nơi người ấy sẽ trở thành mạch nước vọt đến sự sống đời đời". Người đàn bà thưa: "Thưa Ngài, xin cho tôi nước đó để tôi chẳng còn khát, và khỏi phải đến đây xách nước nữa".

Và người đàn bà nói với Chúa Giêsu: "Thưa Ngài, tôi thấy rõ Ngài là một tiên tri. Cha ông chúng tôi đã thờ trên núi này, còn các ông, các ông lại bảo: phải thờ ở Giêrusalem". Chúa Giêsu đáp: "Hỡi bà, hãy tin Ta, vì đã đến giờ người ta sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải ở trên núi này hay ở Giêrusalem. Các người thờ Đấng mà các người không biết, còn chúng tôi thờ Đấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ từ dân Do-thái mà đến. Nhưng đã đến giờ, và chính là lúc này, những kẻ tôn thờ đích thực, sẽ thờ Chúa Cha trong tinh thần và chân lý, đó chính là những người tôn thờ mà Chúa Cha muốn. Thiên Chúa là tinh thần, và những kẻ tôn thờ Người, phải tôn thờ trong tinh thần và trong chân lý".

Người đàn bà thưa: "Tôi biết Đấng Messia mà người ta gọi là Kitô sẽ đến, và khi đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự". Chúa Giêsu bảo: "Đấng ấy chính là Ta, là người đang nói với bà đây".

Một số đông người Samaria ở thành đó đã tin Người vì lời người đàn bà làm chứng. Khi gặp Người, họ xin Người ở lại với họ. Và Người đã ở lại đó hai ngày, và vì nghe chính lời Người giảng dạy, số những kẻ tin ở Người thêm đông hẳn, họ bảo người đàn bà: "Giờ đây, không phải vì những lời chị kể mà chúng tôi tin, nhưng chính chúng tôi đã được nghe lời Người và chúng tôi biết Người thật là Đấng Cứu Thế".

Đó là lời Chúa.

 

GẶP GỠ THA NHÂN

 

Câu chuyện Chúa Giêsu gặp gỡ người phụ nữ xứ Samaria bên bờ giếng Giacob thực là một diễn tiến, từ từ tiến lên cao điểm, như ánh sáng đến thay thế  bóng đêm và xâm nhập dần dần tất cả mọi sự.

 

Bên bờ giếng Giacob, Chúa Giêsu là một người khách lạ. Cơ hội để bắt đầu cuộc hội ngộ phát xuất từ việc Chúa Giêsu mệt mỏi và khát nước. Chính ngài đã đi trước, mở đầu câu chuyện. Đó là điều bất ngờ đối với người phụ nữ và cho cả các môn đệ của ngài. Từ giếng nước và uống nước, Chúa Giêsu hướng sự quan tâm của chị ta sang một thế giới khác, thế giới của tâm hồn. Qua cuộc trao đổi, từ từ được giải thoát khỏi những thiên kiến về sắc tộc, chính trị và tôn giáo, chị ta chuyển cái nhìn về người khách lạ, để từng bước khám phá ra nơi Chúa Giêsu một người đản ông xứ Galilêa, một tiên tri và là Đấng Cứu Thế đang được mong đợi.

 

Người phụ nữ xứ Samaria này chắc chắn đã khao khát tìm kiếm hạnh phúc. Chị ta nghĩ là  sẽ tìm thấy nó bằng cách rút ra ở nhiều nguồn khác nhau. Chị ta đã có 6 người đàn ông….  Và luôn luôn tìm  kiếm cái nguồn hoàn toàn làm giải cơn khát của chị.

 

Với tất cả sự khéo léo thích hợp, Chùa Giêsu đề nghị với chị một thứ nước sẽ làm thỏa mãn chị. Từ chỗ ngạc nhiên, chị ngỡ ngàng, sau đó mong muốn chiếm hữu sự phong phú  đang được kháo khát và tìm kiếm, nhưng không bao giờ thấy được. Phải mất một lúc, chị mới hiểu ra rằng, con người xứ Nagiarét đang đứng trước mặt chị, trao tặng cho chị một cái gì đó còn quý hơn thứ nước giếng trong rất nhiều. Đó là thứ nước của sự sống vĩnh cửu.

 

Phúc âm không xác định rõ, sau cuộc gặp gỡ với Đức Kitô, người phụ nữ này đã sống  cuộc sống như thế nào. Chỉ biết rằng, chị ta đã thay đổi biết bao, và đã bị lôi cuốn do những điều vừa được bày tỏ cho chị. Chị đã nói với đám đông rằng, ngài đã nói với chị tất cả những gì chị đã làm. Người ta hình dung ra rằng, từ ngày hôm đó, chị đã hít thở một bầu không khí mới, đã được soi sang bởi một luồng ánh sang khác, đã dấn thân trên con đường hạnh phúc, con đường, lần này, sẽ không làm chị thất vọng.

 

Điều kỳ lạ và bất ngờ là, cuộc gặp gỡ này giữa Chúa Giêsu và chị ta, bình thường khó lòng mà xảy ra. Bởi vì, ít nhất có bốn bức tường ngăn cách, khiến hai nhân vật này bình thường không thể tiếp xúc, gặp gỡ. Thứ nhất là về sắc tộc, một đàng là Do Thái, một đàng thuộc xứ Samaria thường bị coi là dân tạp chủng, ngoại lai. Thứ hai,  là sự phân biệt  nam nữ; vào thời đó, sự gặp gỡ giữa một người đàn ông và một người đàn bà xa lạ là điều cấm kỵ, huống hồ ở đây là giữa một người đàn ông Do Thái và một người đàn bà xứ Samaria thù địch. Thứ ba là về tôn giáo, tuy cả hai đều tôn thờ Thiên Chúa, nhưng dân Samaria vẫn bị khinh miệt như là dân ngoại, chung chạ với tà thần, người Do Thái không được liên hệ, nếu không muốn bị ô uế. Thứ bốn là sự khác biệt không thể hoà hợp giữa một Đấng Thánh tối cao và một người đàn bà tội lỗi, đã lần lượt sống bất hợp pháp với sáu người đàn ông khác nhau.

Tất cả những yếu tố đó đủ để làm cho cuộc gặp gỡ này không thể thực hiện được. Thế nhưng, không có gì là không có thể đối với Thiên Chúa. Trong trường hợp này, rõ ràng là  Chúa Giêsu đã chủ động gặp gỡ biến đổi tâm hồn của người phụ nữ.

 

Như thế, điều quan trọng cần ghi nhớ là, Chúa Giêsu không trao tặng “nguồn nước chảy ra cho sự sống đời đời”  cho một thánh nữ, hay cho “một người phụ nữ gương mẫu”. Quà tặng quý báu của Ngài lại dành cho một người đàn bà tội lỗi. Điều đó có nghĩa là, bóng tối của chúng ta, những lỗi lầm, những sai trái, những vết thương ghê tởm của chúng ta không làm Đức Kitô xa lánh chúng ta. Đúng hơn, chúng lôi cuốn Ngài đến với chúng ta. Chúa Giêsu đã không đến vì những người khoẻ mạnh, nhưng cho những người đau yếu. Ngài đã đến vì những con người tội lỗi.

 

Ngoài ra, tất cả những con đường đi lên này, từ thứ nước vật chất của đời thường cho đến nước hằng sống của Thánh Thần, từ cơm bánh, gạo thóc hằng ngàycho đến thánh ý Thiên Chúa để nuôi dưỡng, từ từ hiểu biết con người tên là Giêsu đến vị tiên tri Nagiarét, đến Đấng Cứu Thế, Đấng Thánh của Thiên Chúa, từ muốn vàn vấn nạn được đặt ra từ cuộc sống cho đến sự tuyên xưng lòng tin vào Đức Giêsu Kitô… Tất cả cũng chính là con đường của chúng ta đi đến với Chúa. Thì ra, chúng ta không chỉ tìm gặp được  Chúa  trong nhà  thờ,  trong những giờ kinh nguyện, trong các Bí tích, mà chúng ta còn gặp gỡ Ngài qua cuộc sống, qua những gì làm nên cuộc đời chúng ta trong xã hội. Trong đó có những nhu cầu thân xác, có những tiếp xúc, gặp gỡ, có những con người bằng xương, bằng thịt ở cận kề, hay chung quanh chúng ta.

 

Thiên Chúa ở giữa chúng ta. Thế nhưng, rất nhiều khi chúng ta không để ý, mà cứ mãi mê lo tìm kiếm Ngài ở nơi khác. Đừng đóng khung Thiên Chúa trong bốn bức tường nhà thờ, hay trong  một vài giây phút cầu nguyện nào đó trong ngày sống của chúng ta. Ngài vẫn là Cha, luôn luôn ỡ giữa chúng ta. Ngài cùng đi với chúng ta,  và chúng ta sẽ nhận ra Ngài, nếu chúng ta nắm lấy bàn tay Ngài giơ ra cho chúng ta. Chúng ta hãy tìm gặp Chúa, không chỉ trong Kinh Thánh và các Bí tích, mà còn trong đời sống thường ngày của chúng ta, nhất là trong Mủa Chay thánh này.

 

Lm. Giuse Nguyễn Tấn Khoa

Giáo phận Long Xuyên

Mục lục

 

TU ĐỨC

 

 

KHOẢNG CÁCH

Những ngày Tết, tôi được nhiều lời mừng chúc. Lời chúc mừng nào cũng hướng về tương lai. Tâm tình trao tặng nhau, cho dù tốt đẹp đến mấy, vẫn không cản được cảm nghĩ của tôi về khoảng cách.

Tôi cảm thấy mình khác xa trước. Giữa nay và trước có một khoảng cách sâu rộng. Trước là trẻ, nay là rất già.

Chính khoảng cách riêng tư này dẫn tôi nhìn vào một số khoảng cách khác. Những khoảng cách này đang là sự kiện xã hội tôn giáo hôm nay, nhưng đã được báo trước trong Kinh Thánh.

1/ Khoảng cách giữa giàu và nghèo

Sự kiện nổi bật trong Tết vừa qua có lẽ là khoảng cách giữa giàu và nghèo.

Giàu rất giàu, nghèo rất nghèo.

Khoảng cách về của cải là khủng khiếp. Có người làm chủ mấy ngàn tỷ. Đang khi có người tìm tiền mua gạo cho một ngày mà không sao kiếm đủ.

Khoảng cách về tâm lý là thê thảm. Bên thì tự hào mở sang thế giới bạn bè và các tầng lớp xã hội. Bên thì tự rút về thân phận cô đơn, buồn tủi.

Khoảng cách về dự kiến là rất ảm đạm. Giàu thì chắp cánh bay xa bay cao. Nghèo thì bị bó chân bó tay vào những mơ ước nhỏ nhoi, đôi khi còn bị dồn xuống hố thất vọng và tuyệt vọng.

Khoảng cách giàu nghèo hôm nay có thể được nhìn bằng nhiều cách. Cách nhìn mang ý nghĩa nhất là nhìn qua dụ ngôn Chúa Giêsu đã đưa ra về người phú hộ và người hành khất Ladarô.

Người phú hộ mặc toàn đồ sang trọng, ăn toàn những món quý mắc tiền. Còn người hành khất Ladarô thì rách rưới, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng nhà phú hộ, bạn với mấy con chó đói.

Sau này, hai người cùng chết. Trong thế giới bên kia, số phận đổi ngược. Người phú hộ xuống hoả ngục, ông ăn mày được lên thiên đàng. Bởi vì lúc còn sống, người phú hộ đã sống ích kỷ thất đức, còn người ăn mày đã chịu thử thách với lương tâm trong sáng (x. Lc 16,19-31).

Hy vọng khoảng cách đau buồn trên đây tại Việt Nam hôm nay chỉ là lẻ tẻ. Nhưng, theo tôi, cái lẻ tẻ đó vẫn rất đau lòng.

2/ Khoảng cách giữa có với là

Tết năm nay, sự xung đột giữa có và là thực quá rõ.

Trên thực tế, tiêu chuẩn đánh giá con người đặt nặng về phía có. Ai có nhiều tiền của, có quyền cao chức trọng, có uy tín được dư luận tôn vinh, có nhiều bạn sang giàu, đó là người được coi là có giá trị.

Đang khi đó, những người thực chất là đạo đức, thực chất là nhiều khả năng, thực chất là chân chính, thực chất là tu thân, thì lại bị bỏ quên, bị loại trừ, bị khinh chê.

Đáng suy nghĩ nhất là khoảng cách giữa người có quyền và người không có quyền, cho dù người không có quyền là rất tốt.

Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu luôn đề cao cái là.

"Thầy là cây nho, các con là ngành" ( Ga 15,5).

"Các con là muối cho đời" (Mt 5,13).

"Các con là ánh sáng thế gian" (Mt 5,14).

"Lạy Cha là Chúa trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho các bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những ai là kẻ bé mọn" (Lc 10,21).

3/ Khoảng cách giữa đấu tranh và sự hối cải

Tết vừa qua, Hội Thánh Việt Nam đã đón nhận hai sứ điệp. Một sứ điệp là hối cải, do Mùa Chay. Sứ điệp này đã được đọc một cách long trọng ngày 30 Tết nhằm lễ Tro. Một sứ điệp khác là đấu tranh. Sứ điệp này đã được loan đi từ biến cố xảy ra nơi này nơi nọ, do nhiều phương tiện thông tin đại chúng.

Sứ điệp hối cải được ban ra từ Lời Chúa, nên có giá trị vững bền, dẫn về cõi bình an sâu thẳm. Còn sứ điệp đấu tranh bị nhiễu quá nhiều. Nó đã vượt xa biến cố ban đầu, dẫn về một tương lai nhiều thách đố lớn. Nên giá trị thực của nó là ở sự đợi chờ sáng suốt. Đắc thắng hiện tại chỉ là thành công bé nhỏ.

Phần tôi, tôi theo dõi sứ điệp đấu tranh với tâm hồn cầu nguyện và tỉnh thức. Nhưng tôi đón nhận sứ điệp Phúc Âm Mùa Chay với niềm tin tuyệt đối vâng phục ý Chúa.

Kinh Thánh trong sách Khải Huyền có đoạn Chúa gởi cho Hội Thánh ở Ephêsô: "Ngươi có lòng kiên nhẫn và đã chịu khổ vì danh Ta mà không mệt mỏi. Nhưng Ta trách ngươi điều này: Ngươi đã để mất tình yêu thuở ban đầu. Vậy hãy nhớ lại xem ngươi đã từ đâu rơi xuống. Hãy hối cải và làm những việc ngươi đã làm thuở ban đầu. Bằng không, Ta đến với ngươi, và Ta sẽ đem cây đèn của ngươi ra khỏi chỗ của nó, nếu ngươi không hối cải" (Kh 2,3-5).

Cảnh giác trên đây luôn hữu ích cho phần rỗi.

Mấy khoảng cách trên đây là những thời sự. Suy tư về những thời sự đó trong ánh sáng Phúc Âm cũng là một sinh hoạt ý nghĩa trong xã hội hôm nay.

Xã hội hôm nay đang có những liên kết và những rạn nứt, đang có những hôn nhân và những ly hôn trong nhiều lãnh vực, như gia đình, văn hoá, đời đạo.

Xã hội hôm nay đang có những tảng băng trôi nổi trên bề mặt và có những sóng ngầm nguy hại không dễ phát hiện.

Rất mong những ai đang lo cho nền giáo dục Kitô giáo sẽ quan tâm hơn nữa đến tình hình cụ thể của Việt Nam hôm nay, nhất là bằng cách nêu gương sáng.

Ngày mùng năm Tết Mậu Tý

ĐGM GB BÙI TUẦN

Mục lục

 

HIỆP THÔNG GIÁO HỘI

Đức Thánh Cha tiếp kiến Tổng Tu Nghị thứ 35 của Dòng Tên

 

VATICAN. ĐTC Biển Đức 16 khích lệ Dòng Tên tiếp tục hăng say thi hành sứ mạng trong bối cảnh xã hội ngày nay, và trong niềm trung thành với đoàn sủng nguyên thủy của dòng.

 

Ngài đưa ra lời nhắn nhủ trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 21-2-2008 dành cho 220 thành viên Tổng tu nghị thứ 35 của dòng Tên, dưới sự hướng dẫn của cha Tân Bề Trên Tổng quyền Adolfo Nicolas.


ĐTC nhấn mạnh rằng: ”Như các vị Tiền Nhiệm của tôi nhiều lần đã nói, Giáo Hội đang cần anh em, mong đợi nơi anh em và tiếp tục tín nhiệm xin anh em cộng tác giúp đỡ, đặc biệt để đi đến những nơi thể lý và tinh thần mà những người khác không đến hoặc khó đến được”.


ĐTC nhắc đến Công thức, theo đó dòng Tên được thành lập trước tiên là để ”bảo vệ và truyền bá đức tin” và nhận định rằng ”Ngày nay các dân tộc mới không biết Chúa, hoặc biết sai về Chúa, đến độ không nhìn nhận Chúa là Đấng Cứu Thế, họ ở xa không phải về phương diện địa lý cho bằng về phương diện văn hóa.. Vì thế, Giáo Hội đang cấp thiết cần những người có đức tin vững chắc và sâu xa, có văn hóa nghiêm túc và sự nhạy cảm chân thành về nhân bản và xã hội, Giáo Hội đang cần những tu sĩ và LM tận hiến cuộc đời để ở nơi các biên cương, làm chứng và giúp hiểu rằng có một sự hòa hợp sâu xa giữa đức tin và lý trí, giữa tinh thần Tin Mừng, sự khao khát công lý và hoạt động cho hòa bình”.

 

Từ tiền đề đó, ĐTC nhấn mạnh rằng: ”Trung thành với truyền thống tốt đẹp nhất của mình, Dòng Tên phải tiếp tục huấn luyện rất kỹ lưỡng các phần tử của mình trong kiến thức và nhân đức, không hài lòng với sự tầm thường, vì công tác đối chiếu và đối thoại với các bối cảnh xã hội và văn hóa ngày nay rất khác biệt và với các não trạng khác của thế giới ngày nay thuộc vào số những công tác khó khăn và vất vả nhất”.


Đi vào chi tiết hơn, ĐTC nhắn nhủ các tu sĩ Dòng Tên hãy chân thành lãnh nhận trách vụ cơ bản của Giáo Hội là trung thành với hoàn toàn với Lời Chúa và trách vụ của Huấn Quyền là bảo tồn chân lý và sự hiệp nhất của đạo lý Công Giáo trong toàn bộ.. Anh em phải chú ý làm sao để các hoạt động và tổ chức của anh em luôn bảo tồn căn tính rõ ràng và minh nhiên, để mục đích hoạt động tông đồ của anh em không có tính chất mơ hồ và đen tối, và để bao nhiêu người khác có thể chia sẻ những lý tưởng của anh em và liên kết với anh em một cách hữu hiệu và hăng hái, cộng tác vào sự dấn thân phục vụ Thiên Chúa và con người”.



Cũng trong chiều hướng đó, ĐTC kêu gọi các tu sĩ dòng Tên tái dấn thân bảo vệ đạo lý Công Giáo, đặc biệt trong những điểm chủ yếu thường bị nền văn hóa thế tục ngày nay tấn công như ơn cứu độ tất cả mọi người trong Chúa Kitô, luân lý tính dục, hôn nhân và gia đình. Những đề tài này cần được đào sâu và soi sáng trong bối cảnh thực tại ngày nay, nhưng luôn duy trì sự hòa hợp với Huấn Quyền Hội Thánh, tránh tạo nên sự hỗn độn và hoang mang nơi Dân Chúa”.


Sau cùng, ĐTC mời gọi Dòng Tên suy nghĩ để tìm lại ý nghĩa lời khấn thứ tư vâng lời người Kế Vị thánh Phêrô. Lời khấn này không phải chỉ bao gồm sự sẵn sàng được gửi đi thi hành sứ mạng ở những miền xa xăm, nhưng còn có nghĩa là ”yêu mến và phục vụ” Vị Đại Diện Chúa Kitô trên mặt đất với lòng kính mến bằng hành động và tâm tình, biến anh em trở thành những cộng tác viên quí giá và không thể thay thế được của Người trong việc phục vụ Giáo Hội hoàn vũ”.


Tổng tu nghị thứ 35 của dòng Tên đã khai diễn ngày 7-2-2008 tại trụ sở Bề trên Tổng quyền ở Roma. Trong số các tham dự viên có 2 người Việt Nam là Cha Toma Vũ Quang Trung, Giám Tỉnh Việt Nam, và Cha Giuse Nguyễn Công Đoan, Phụ tá mãn nhiệm của Bề Trên Tổng Quyền, vốn đặc trách miền Đông Á Thái Bình Dương.

 

Hôm 18-2-2008, các đại biểu đã bầu 4 vị Tổng Cố vấn của dòng, trong đó có cha Federico Lombardi, người Italia, cho đến nay là Tổng giám đốc Đài Vatican, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh và Tổng giám đốc trung tâm truyền hình Vatican.


3 vị còn lại là cha Lisbert D'Souza, người Ấn độ, cũng là phụ tá Bề trên Tổng quyền đặc trách vùng Nam Á, Cha James Grummer, người Mỹ, phụ tá Bề trên Tổng quyền đặc trách các tỉnh dòng Tên tại Hoa Kỳ và cha Marcos Recolons, người Bolivia, Phụ tá Bề Trên Cả đặc trách miền nam Mỹ châu la tinh. Cha cũng được bầu làm Vị Khuyến cáo Bề trên Tổng Quyền (Ammonitore).



Thể thức bầu 4 Tổng cố vấn cũng giống như khi bầu Bề trên Tổng quyền nghĩa có diễn ra sau 4 ngày tĩnh niệm và cầu nguyện của hơn 217 thành viên.


Nhiệm vụ của vị Tổng cố vấn là trợ giúp Cha Bề Trên Tổng quyền trong tất cả những gì liên quan đến khía cạnh bên ngoài của đời sống Cha Tổng quyền. Sau khi bầu các vị Tổng cố vấn, Tổng tu nghị dòng Tên bắt đầu thảo luận và bỏ phiếu chấp thuận các văn kiện sẽ được gửi đến toàn dòng sau Tổng tu nghị.

Dòng Tên tiếp tục là dòng nam lớn nhất trong Giáo Hội với 19.200 tu sĩ (SD 21-2-2008)

Mục lục

 

Công bố Huấn Thị ”Sanctorum Mater” của Bộ Phong Thánh

 

VATICAN. Sáng ngày 18-2-2008, Huấn thị mới của Bộ Phong thánh với tựa đề ”Sanctorum Mater” (Mẹ Các Thánh) đã được công bố trong một cuộc họp báo tại Phòng báo chí Tòa Thánh.


ĐHY Saraiva Martins, người Bồ Đào Nha, Tổng trưởng Bộ Phong thánh, cùng với vị Tổng thư ký là Đức TGM Michele di Ruberto, và Đức Ông Phó Tổng thư ký Marcello Bartolucci, đã giới thiệu Huấn thị mới với giới báo chí tại Phòng Báo Chí Tòa Thánh lúc 11 giờ 30 sáng.

 

Huấn Thị dài 100 trang, không đề ra những thay đổi ngoạn mục trong tiến trình điều tra phong chân phước hiện nay, nhưng thu hẹp hơn những khoảng cách sai lầm và đòi hỏi nhiều tài liệu và bằng chứng hơn, để tránh sự cẩu thả, hoặc cả sự lừa đảo gian lận nữa. Huấn thị duyệt lại các thủ tục được các giáo phận áp dụng để nhìn nhận và điều tra về các vị Tôi Tớ Chúa, trước khi chuyển toàn bộ hồ sơ về Bộ Phong Thánh ở Roma.


Huấn Thị ”Mẹ Các Thánh” được chia làm 6 phần, mô tả tỷ mỷ tất cả các hành vi mà các GM giáo phận cần theo để khởi sự và hoàn tất giai đoạn giáo phận trong tiến trình làm án phong chân phước, thu thập bằng chứng và các chứng từ, trước khi gửi về Bộ Phong thánh.


ĐHY Martins nói: ”Như tựa đề của Văn kiện cho thấy, Giáo Hội là Mẹ Các Thánh, chính Giáo Hội gìn giữ và truyền lại ký ức về các thánh qua dòng thời gian, và trình bày các vị như gương mẫu về sự quảng đại đáp lại tiếng gọi của Tin Mừng, để chúng ta ý thức mình cũng được kêu gọi đạt tới mức độ trọn hảo của đời sống Kitô, tức là sự thánh thiện”.


ĐHY Tổng trưởng Bộ Phong Thánh cho biết Huấn Thị có mục đích làm sáng tỏ các qui luật hiện hành về việc điều tra phong chân phước và hiển thánh. Đây là một văn kiện hành chánh của Bộ Phong Thánh, được công bố với sự chấp thuận của ĐTC. Nó không chứa đựng điều khoản nào trái với các luật lệ hiện hành.

Một điều căn bản được Huấn Thị nhấn mạnh là: để có thể được mở án điều tra phong thánh, đương sự phải có ”tiếng tăm thánh thiện”, hoặc ”tiếng tăm tử đạo” nếu đó là một vị tử đạo, nơi các tín hữu tại nơi mà vị tôi tớ Chúa đã sống. Các vị điều tra cũng phải chứng tỏ một ”tiếng tăm về dấu lạ” hoặc về những ân phúc mà tín hữu nhận được nhờ sự chuyển cầu của vị Tôi Tớ Chúa. ”Tiếng tăm ấy phải có tính chất bộc phát chứ không phải do ngụy tạo”, và phải có tính chất bền vững, liên tục và phổ biến rộng rãi nơi những người đáng tin cậy và hiện diện nơi một phần đáng kể trong cộng đồng Dân Chúa”. Nói khác đi, tiếng tăm ấy không phải chỉ có nơi một nhóm nhỏ những người bạn hữu quyết định coi người bạn quá cố của họ là một tín hữu Kitô tốt, và cũng không thể do một dòng tu muốn đẩy mạnh án phong cho vị sáng lập hoặc một phần tử của dòng, không được biết đến nhiều và không có ảnh hưởng bên ngoài dòng tu ấy.


Trong cuộc họp báo của ĐHY Martins, cuốn ”Danh mục tình trạng các án phong” (Index ac status causarum) tại Bộ Phong Thánh đã được công bố nhân dịp này.


ĐHY Martins cho biết hiện nay Bộ phong thánh đang cứu xét hơn 2.200 án phong chân phước và hiển thánh.

Cho đến nay, từ khi ĐTC Biển Đức 16 làm Giáo Hoàng đã có 40 lễ nghi phong chân phước được các HY cử hành theo sự ủy nhiệm của ĐTC và tổng cộng có 563 chân phước được tôn phong, trong đó có 527 vị tử đạo. ĐHY Saraiva Martins, Tổng trưởng Bộ Phong Thánh chủ sự tổng cộng 31 lễ phong chân phước, trong đó có 18 buổi lễ tại Italia và 13 tại nước ngoài.


Tiếp đến có 4 lễ phong hiển thánh do ĐTC đích thân chủ sự (3 tại Roma và 1 tại Brazil), tôn phong tổng cộng 18 vị thánh.


Trong 27 năm làm Giáo Hoàng, ĐTC Gioan Phaolô 2 đã tôn trong 1.338 vị chân phước và 482 vị hiển thanh. Như vậy, so với Đức Đương Kim Giáo Hoàng, tỷ lệ số chân phước được tôn phong trong gần 3 năm đầu trội hẳn số chân phước dưới thời Đức Cố Giáo Hoàng trong cùng khảng thời gian (SD 18-2-2008)

 

Mục lục

 

Đức Thánh Cha kết thúc tuần tĩnh tâm mùa chay 2008

 

VATICAN. Lúc 9 giờ sáng thứ bẩy, 16-2-2008, ĐTC Biển Đức 16 và các chức sắc của Tòa Thánh, đã kết thúc tuần tĩnh tâm mùa chay, bắt đầu từ chiều chúa nhật 10-2-2008 trước đó.


Lên tiếng trong dịp này, ĐTC nhiệt liệt cám ơn vị giảng tĩnh tâm là ĐHY Albert Vanhoye SJ về những bài suy niệm sâu xa về linh đạo và thần học. Ngài nói: ”Theo cái nhìn của tôi, tôi luôn thấy trước mặt hình ảnh Chúa Giêsu quì gối trước thánh Phêrô để rửa chân cho người môn đệ. Qua những bài suy niệm của ĐHY, hình ảnh đó đã nói với tôi. Tôi thấy qua thái độ đó của Chúa Giêsu, thái độ khiêm tốn tột cùng, chức tư tế của Chúa Giêsu được thể hiện.


Chức ấy được thể hiện chính trong thái độ liên đới của Chúa với chúng ta, với những yếu đuối, đau khổ, thử thách của chúng ta, cho đến cái chết. Và thế là, tôi nhìn thấy với một nhãn giới mới, chiếc áo đỏ của Chúa Giêsu, nói với chúng ta về máu của Chúa. ĐHY đã dạy chúng tôi về cách thức máu của Chúa Giêsu, nhờ kinh nguyện của Người, được ốc-xy hóa nhờ Chúa Thánh Linh, và nhờ đó trở thành sức mạnh cứu độ và là nguồn sự sống cho chúng ta”.


ĐTC cũng nhắc đến sự kiện thánh Phêrô xin Chúa Giêsu đừng rửa chân cho mình, và sau đó thánh nhân lại xin Chúa không những rửa chân, nhưng cả đầu và tay mình nữa. Ngài nói: ”Qua cử chỉ đó, tôi thấy dường như diễn tả sự khó khăn của thánh Phêrô và tất cả các môn đệ của Chúa trong việc hiểu biết sự mới mẻ lạ lùng chức tư tế của Chúa Giêsu, chức này chính là sự hạ mình, liên đới với chúng ta, và qua đó mở cho chúng ta lối vào cung thánh đích thực, là thân thể phục sinh của Chúa Giêsu.. Theo nghĩa đó, tôi thấy hình ảnh của thánh Phêrô giống như hình ảnh của tất cả chúng ta ngày nay. ĐHY đã giúp chúng tôi lắng nghe tiếng Chúa, để tái học biết chức tư tế của Người và của chúng ta là gì. ĐHY đã giúp chúng tôi đi vào sự tham gia chức tư tế của Chúa Kitô, và nhờ đó lãnh nhận một trái tim mới, trái tim của Chúa Giêsu, như trung tâm mầu nhiệm Tân Ước”.


ĐHY Albert Vanhoye, người Pháp, năm nay 84 tuổi, nguyên là một chuyên gia Kinh Thánh nổi tiếng và từng làm Viện trưởng Thánh Kinh học viện ở Roma, và làm Tổng thư ký Ủy ban Tòa Thánh về Kinh Thánh. ĐHY đã chọn đề tài cho tuần tĩnh tâm là ”Chúng ta chào đón Chúa Kitô vị Thượng Tế của chúng ta”, rút từ thư gửi tín hữu Do thái: ”Vì chúng ta có một vị Thượng Tế đã lên trời, là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, nên chúng ta hãy kiên vững tuyên xưng đức tin”.


Dưới thời Đức Gioan Phaolô 2, trong tuần tĩnh tâm mùa chay, mỗi ngày có 4 bài suy niệm của vị giảng phòng. Nhưng ĐTC Biển Đức 16 đã bớt đi một bài, và mỗi ngày chỉ còn lại 3 bài suy niệm.

ĐHY Vanhoye đã điểm qua một số đoạn Kinh Thánh, trong đó một số Ngôn Sứ đã báo trước sự cần thiết phải có một con tim mới, có khả năng đi vào cuộc đối thoại với Thiên Chúa. Kiểu mẫu ấy đã đến với Tân Ước: đó chính là trái tim tuyệt hảo của Chúa Giêsu - một con tim hiệp thông trọn vẹn với Chúa Cha. Chúa Giêsu đón nhận một trái tim bằng thịt để đổi mới con tim của mỗi người, qua cuộc khổ nạn, bề ngoài vốn là điều trái ngược với tình yêu, vì sự tàn ác và những hình khổ tra tấn trong đó. Chính trong bối cảnh đó, Chúa Kitô trở thành tư tế tuyệt hảo, và con tim của Chúa, trong Giáo Hội qua mọi thời đại, tiếp tục biểu lộ qua sự trung gian của các thừa tác viên, là những người được kêu gọi có cùng như phẩm tính như Chúa Kitô thủ lãnh, nghĩa là có cùng một con tim khiêm đối đối với Thiên Chúa, một con tim dịu dàng đối với tha nhân.


ĐHY Vanhoye nói: ”Để trở thành bí tích của Chúa Kitô tư tế, Giám mục, Linh mục phải liên kết với trái tim Chúa Kitô trong hai thái độ cơ bản: ngoan ngoãn đối với Thiên Chúa, từ bi nhân hậu đối với con người. Họ phải có một trái tim con thảo đối với Thiên Chúa Cha và một con trái tim huynh đệ đối với con người”.

Sau cùng, ĐHY giảng thuyết nói rằng: ”Chúa Giêsu liên kết các tông đồ, nghĩa là các Giám mục và Linh mục với chức tư tế của Ngài. Hơn nữa, với Bữa Tiệc Ly, Ngài đặt chính thân thể, con tim của Ngài trong tay các linh mục để phân phát cho tha nhân. Xét cho cùng, đời sống Kitô hệ tại đón nhận và sở hữu nơi mình chính trái tim của Chúa Giêsu” (SD 16-2-2008)

Mục lục

 

Chương trình chi tiết chuyến Tông Du của Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI tại Hoa Kỳ

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI lần đầu tiên với tư cách Giáo Hoàng sẽ đến Hoa Kỳ với hàng loạt những cuộc tiếp kiến gặp gỡ khác nhau giữa các hàng Giám Mục, Tu Sĩ và Chủng Sinh tại Hoa Kỳ, cácnhà lãnh đạo chính quyền, các đại diện liên tôn và đại kết, các học giả trí thức trên thế giới và tín hữu Công Giáo Hoà Kỳ.

Những biến cố được tổ chức tại Washington và tại New York từ ngày 15-20/4 bao gồm buổi gặp gỡ Tổng Thống George W. Bush và Đệ Nhất Phu Nhân tại Nhà Trắng (Tòa Bạch Ốc) và cuộc viếng thăm “Ground Zero” tại Manhattan nơi xảy ra cuộc khủng bố không tặc Tòa Tháp Đôi 11/9.

Cuộc gặp gỡ và trình bày sứ điệp của Ngài trước Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc vào ngày 18/4, là một dịp để Ngài trình bày những nền tảng quan trọng toàn cầu nhất trong triều đại 3 năm Giáo Hoàng của Ngài.

Là chuyến Tông Du thứ 8 và là chuyến tông du đầu tiên tới Hoa Kỳ trong triều Giáo Hoàng Biển Đức XVI kể từ khi có chuyến Tông Du cuối cùng của Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II chỉ vỏn vẹn 30 tiếng đồng hồ tại St Louis- Hoa Kỳ vào năm 1999.

Ban tổ chức chuyến Tông Du Giáo Hoàng đã tường trình cho biết số người yêu cầu có vé để tham dự 2 Thánh Lễ rất cao tại Công Viên Quốc Gia ở Washington và tại Vận Động Trường Yankee ở NewYork, và chắc chắn rằng Ban Tổ Chức sẽ không đảm bảo để mọi người có vé để được tham dự Thánh Lễ vì đã ngoài quá con số cho phép.

Riêng tại Vatican, các giáo sĩ đã tỏ ra nhộn nhịp càng ngày càng tăng vì các Ngài kỳ vọng đây sẽ là chuyến tông du quan trọng nhất so với các năm vừa qua.

Thứ Ba, 15/4

Đức Giáo Hoàng sẽ đến Phi Trường Quân Sự Andrews, thuộc ngoại ô Washington vào xế chiều trong chuyến bay của hãng hàng không Alitalia kéo dài 9 tiếng đồng hồ. Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush sẽ ra nghênh đón và chào mừng Đức Giáo Hoàng. Tổng Thống Bush sẽ đọc một bài chào mừng ngắn lên Đức Thánh Cha và Đức Giáo Hoàng cũng sẽ đọc một bài đáp từ. Sau đó Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI sẽ đến thẳng tới Dinh Sứ Thần Tòa Thánh để nghỉ ngơi sau 9 tiếng đồng hồ trên máy bay.

Thứ Tư 16/4

Tổng Thống George W. Bush sẽ chào mừng Đức Giáo Hoàng tại phía Nam của Nhà Trắng vào lúc 10 g 30 sáng, sau đó sẽ có một buổi gặp gỡ riêng giữa 2 vị tại Nhà Trắng. Đây cũng là lần thứ 2 trong lịch sử triều đại các Giáo Hoàng, là Đức Giáo Hoàng đã viếng thăm Nhà Trắng. Hôm này cũng trùng vào ngày sinh nhật thứ 81 của Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI.

Lúc 5 g30 chiều, Đức Giáo Hoàng sẽ chủ sự buổi đọc Kinh Chiều với khoảng 350 Giám Mục Hoa Kỳ tại Đền Thánh Quốc Gia Đức Mẹ Vô Nhiễm tại Washington. Trước đó Đức Giáo Hoàng sẽ chào mừng nhiều người nghênh đón Ngài dọc theo con đường đưa đến Đền Thánh Quốc Gia.

Thứ Năm 17/4

Lúc 10 giờ sáng, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI sẽ chủ sự Thánh Lễ tại Công Viên Quốc Gia, đây là biến cố đầu tiên được diễn ra tại Vận Động Trường mới mà không phải là trận đấu baseball.

Lúc 5 giờ chiều, Đức Giáo Hoàng sẽ gặp gỡ và ban bài diễn văn tới hơn 200 Trường Cao Đẳng và Đại Học Công Giáo tại Đại Học Công Giáo America ở vùng Đông Bắc Washington, tại đây cũng có sự tham sự của Ban Giám Thị các trường Trung Học Công Giáo từ các Giáo Phận trên khắp đất nước Hoa Kỳ.

Lúc 6g30 chiều, Đức Giáo Hoàng sẽ cùng với các đại diện Phật Giáo, Hồi Giáo, Do Thái Giáo, Đạo Sikhs, Ấn Giáo và đại diện các tôn giáo bạn trong buổi cầu nguyện chung tại Trung Tâm Văn Hoa Gioan Phaolô II.

Thứ Sáu, 18/4

Sau khi đáp chuyến bay từ Washington tới New York, Đức Giáo Hoàng sẽ thuyết trình trước Đại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc vào lúc 10g45 sáng. Theo truyền thống Giáo Hoàng của các vị tiền nhiệm, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đến Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc 2 lần vào năm 1979 và năm 1995, và Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã tới đây vào năm 1965.

Lúc 6g30 chiêu, Đức Giáo Hoàng sẽ chủ sự buổi cầu nguyện với các tôn giáo Kitô Giáo như Tin Lành... tại Thánh Đường Thánh Giuse (St Joseph), đây là một giáo xứ có tầm vóc lịch sử của người Đức tại Yorkville thuộc Manhattan.

Thứ Bảy 19/4

Lúc 9g15 sáng, Đức Giáo Hoàng sẽ chủ sự Thánh lễ tại Nhà Thờ Chánh Tòa St Patrick nằm giữa thị trấn Manhattan dành cho các Linh Mục, Tu Sĩ các Dòng Tu và các Phó Tế. Hôm nay cũng là ngày kỷ niệm đánh dấu đúng 3 năm ngày tuyển cử Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI.

Lúc 4g30 chiều, Đức Giáo Hoàng sẽ gặp gỡ giới trẻ tại Đại Chủng Viện Thánh Giuse ở Yonkers, thuộc phía Bắc Thành Phố New York. Đức Giáo Hoàng cũng gặp gỡ 50 bạn trẻ khuyết tật, và đức Giáo Hoàng sẽ ban một bài huấn từ tới các bạn trẻ, trong số bao gồm đến cả hàng trăm chủng sinh. Trong buổi này được coi như là buổi tập họp cầu nguyện.

Chúa Nhật 20/4

Lúc 9g30 sáng, Đức Giáo Hoàng sẽ viếng thăm “ground zero”, nơi xảy ra khủng bố không tặc vào ngày 11/9/2001 tại Tòa Tháp Đôi của Trung Tâm Thương Mại Thế Giới.

Lúc 2g30 chiều, Đức Giáo Hoàng sẽ chủ sự Thánh Lễ tại Vận Động Trường Yankee. Buổi cử hành phụng vụ này cũng đánh dấu 200 năm thành lập Tổng Giáo Phận New York, Tổng Giáo Phận Boston, Tổng Giáo Phận Philadelphia và Louisville, Ky., cũng như đánh dấu 200 năm, giáo phận Baltimore được nâng lên hàng Tổng Giáo Phận, đây là Giáo Phận cổ kính nhất của Hoa Kỳ, là Giáo Phận đầu tiên được thành lập trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo tại Hoa Kỳ.

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI tới phi trường Quốc Tế John F. Kennedy lúc 8 giờ tồi và đáp chuyến bay Shepherd One của hãng hàng không Alitalia để trở về Vatican.

Đối với những ai không có cơ hội lấy được vé để tham dự Thánh Lễ tại 2 vận động trường do Đức Thánh Cha chủ tế, thế nhưng vẫn có thể xem thấy tận mắt và chào mừng Giáo Hoàng tại dọc các đường phố, vì Tòa Thánh đã mang chiếc xe bọc kính của Giáo Hoàng đến Hoa Kỳ và sẽ được xử dụng tại Washington và New York.

Mục lục

 

Nhóm Bác ái Giáo Phận Hải Phòng thăm Trại phong Chí Linh nhân dịp Mùa chay 2008

 

Nhân dịp Mùa Chay năm nay, Đức Cha Hải Phòng Giuse Vũ Văn Thiên đã cử Cha Gioan Baotixita Vũ Văn Kiện quản lý Toà Giám Mục, và anh chị em Legio Mariae Giáo Phận Hải Phòng đến thăm hỏi và chia sẻ với các bệnh nhân phong Chí Linh Hải Dương.

 

Phái đoàn đến thăm trại phong gồm Cha trưởng đoàn và 17 thành viên thuộc Comitium Hải Phòng.


Cha Trưởng đoàn và anh chị em Legio Hải Phòng đã có buổi giao lưu với các bệnh nhân phong, mọi người chúc nhau những lời cầu chúc tốt đẹp nhất trong ngày đầu xuân mới, cùng hát, cùng chơi, cùng nắm tay nhau trong tình huynh đệ.


Cha Trưởng đoàn và các thành viên trong đoàn đã trao quà Mùa Chay của Đức Giám Mục cho anh chị em Trại Phong. Món quà không lớn, nhưng nói lên sự quan tâm và nhất là tình hiệp thông giữa con người với con người, Mọi người coi nhau như những người thân của mình, phải có trách nhiệm cảm thông và chia sẻ.


Cha Trưởng đoàn dâng lễ tại Nhà nguyện Thánh Giuse cho anh chị em bệnh nhân phong, những người Công Giáo, Tin Lành và có cả một số anh chị em Phật tử nữa. Trong thánh lễ Ngài đã cầu nguyện cho các bệnh nhân còn sống cũng như những người đã qua đời.


Trong bài giảng Cha đã nhấn mạnh đến tình thương và lòng khoan dung của Thiên Chúa đối với con người, vì thế mọi người cần phải có cái nhìn thông cảm và khoan dung với nhau, nhất là tình bác ái và vị tha. Khi anh chị em chia sẻ bác ái cho người khác là chúng ta đã gặp được Chúa. Ngày hôm nay anh chị em Legio không phải tìm Chúa ở đâu xa nhưng anh chị em đã gặp được Cháu qua những bệnh nhân trong trại phong, họ là hình ảnh của Thiên Chúa, khi chúng ta bắt tay các bệnh nhân là chúng ta bắt tay Chúa, khi chúng ta cảm thông với anh chị em bệnh nhân là chúng ta cảm thông với Chúa, khi chúng ta giúp đỡ anh chị em bệnh nhân là giúp đỡ cho chính Chúa.


Thánh lễ đã kết thúc các bệnh nhân phong tham dự cảm thấy thật hạnh phúc khi được cùng nhau chia sẻ tình hiệp thông với mọi người không nghi kỵ, không kỳ thị, nhưng cùng nhau trao cho nhau sự bình an của Chúa ban tặng cho mỗi người, và ước chi sự bình an đó luôn ở trong mỗi người trong cuộc sống hàng ngày.



Xin Chúa tiếp tục nâng đỡ anh chị em bệnh nhân trong Trại Phong này và nhất là có nhiều tấm lòng hảo tâm giúp đỡ cho anh chị em Trại Phong để anh chị em luôn sống trong bình an, an vui và hạnh phúc.

Khổng Trung Sơn

Mục lục

 

 

TÌM HIỂU & SỐNG ĐẠO

 

 

TẢN MẠN: NĂM GIÁO DỤC KITÔ GIÁO

Chẳng biết ý Chúa hay ý người mà năm nay Giáo Hội mời gọi con cái mình đặt lại chuyện giáo dục.

Căn bản, căn cốt của con người mãi mãi vẫn là chuyện giáo dục. Nếu không có giáo dục thì đừng mong có một xã hội tốt hay một giáo hội thánh thiện được.

Đành biết là miếng cơm manh áo rất cần thiết cho cuộc sống nhưng đâu phải no cơm ấm áo là tốt đâu ? Cơm áo đó từ đâu đến mới là chuyện quan trọng. Nếu như miếng cơm manh áo đến từ hai bàn tay thấm đượm mồ hôi hay bằng khối óc làm việc cần mẫn thì quả là điều tốt nhưng nhiều khi miếng cơm manh áo lại đến từ sự gian xảo, lọc lừa thì thật là cay đắng.

Vẫn biết là xã hội nào, giáo hội nào cũng có vấn đề của nó nhưng một thực tế mà nhiều người đều phải thừa nhận đó là xã hội và thậm chí giáo hội ngày hôm nay đã đào tạo ra nhiều và nhiều người sống không thật. Người người chỉ đua theo thành tích, chỉ đua theo bằng khen và biểu dương công đức thì lấy đâu ra sự thật được.

Thử hỏi nền giáo dục của nước nhà đang đứng ở bờ vực nào ? Thật đau lòng khi con số thống kê cho biết rằng số sinh viên ra trường chỉ đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng với con số thật khiêm tốn : 30%. Thế thì 70% đó phải đào tạo lại hay làm gì đây dẫu rằng trong tay ai cũng có những bằng cấp, những chứng chỉ thuộc loại ưu !

Và rồi tình trạng trò ngồi nhầm lớp như trái bom nổ chậm đang bắt đầu nổ ở nhiều tỉnh thành trong cả nước. Cay đắng hơn, bi đát hơn chuyện nữa là không chỉ trò ngồi nhầm lớp mà giáo viên còn đứng lộn lớp nữa ! Chuyện giáo dục là chuyện quốc sách, chuyện căn bản của con người vậy mà cứ man mác ở trong đó chuyện gian lận thì làm sao tìm ra những người tài đức để xây nước và dựng nước.

Chắc cũng chẳng cần phải dùng hàm số hay đồ thị để giải cái bài học về giáo dục. Cái vòng luẩn quẩn đào tạo như thế thì sẽ sản sinh ra những con người như thế nào thì ắt hẳn ai ai cũng biết rồi.

Điều đau lòng là cái nền, cái móng của con người bị lung lay thì làm sao mà có những tòa nhà chắc chắn được.

Vì e ngại, vì đụng chạm chẳng ai thèm đề cập đến nhưng thực trạng đau lòng ai ai cũng thấy đó là vấn đề nhân bản. Nhân bản như là cái nền, cái móng của một con người xây đời mình trên đó. Thế nhưng đáng tiếc thay là cái nền, cái móng đó ngày hôm nay được xây dựng trên tiền bạc, trên chạy chọt, trên gửi gắm chứ không dựa trên con đường của công minh, chính trực và luân thường đạo lý nữa.

Giáo dục ngoài xã hội như thế để rồi cũng kéo theo nền giáo dục kitô giáo có vấn đề.

Những sinh viên ngoài đời ra trường chỉ đáp ứng nhu cầu thực sự với con số 30% thì thử hỏi những sinh viên công giáo (tu sĩ nam nữ) đáp ứng nhu cầu thực của giáo hội là bao nhiêu ?

Đau lòng lắm khi mà người ta phải trả lời thật con số và chất lượng.

Người viết bài này sống trong thời đại sau ngày đất nước được giải phóng. Sau một thời gian tiếp xúc, học hỏi thì người viết nhận ra rằng các bậc cha anh được đào tạo trước ngày giải phóng khác hẳn những thế hệ sau này. Đành biết là không phủ nhận những điều hay, những điều tốt của một đất nước đang thay da đổi thịt về nhiều mặt. Nhưng điều trăn trở, băn khoăn của người viết vẫn là cách nhìn, lối cư xử của thế hệ trẻ (trong đó có người viết) nó làm sao đó. Hình như là nó cũng có hơi hướm gì đó của những thứ bệnh thành tích, bệnh bằng khen và bệnh bề ngoài.

Người ta vẫn thường nói : hữu xạ tự nhiên hương. Đâu cần phải gồng mình, ép xác để đạt được những thành tích mà bên ngoài xem ra thật hoành tráng nhưng bên trong nó chỉ là cái thùng rỗng tuếch. Hậu quả của thành tích, bề ngoài đã để lại một hậu quả không thể nào mà lường được. Khi người ta sống bề ngoài thì người ta sẽ chẳng còn biết ai nữa, chẳng còn biết anh chị em đồng loại nữa. Thế rồi người ta dũng nhiều mánh khóe, lương lẹo, lọc lừa để đạt cái mục tiêu mà họ hướng đến.

Cũng mừng là ngày hôm nay số tu sĩ nam nữ ngày nay cũng tăng chứ chưa có chiều hướng giảm. Thế nhưng số tăng nhưng lượng thế nào thì cần phải đặt lại. Và vô cùng cần thiết khi mà tu cần lượng hơn cần chất chứ không phải như ngoài đời có càng nhiều bằng cấp bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Nếu như giáo hội có nhiều tu sĩ nam nữ mà giáo hội không thay đổi, không thăng tiến đó là một dấu hiệu đáng lo hơn là đáng mừng.

Năm 2008 đã mở ra một bước ngoặc về giáo dục kitô giáo. Tưởng nghĩ rằng chuyện giáo dục này cần phải nhân rộng, cần phải đi sâu vào từng giáo xứ, từng cộng đoàn chứ nếu không nó cũng sẽ qua đi một cách vô vị. Không khéo chúng ta vẫn thường oán trách những người sống chung quanh ta là sống khẩu hiệu thì chúng ta cũng sẽ đi theo vết xe cũ của họ mà thôi.

Thời gian cứ mãi dần trôi và nó chẳng thèm chờ, thèm đợi ai cả.

Năm giáo dục kitô giáo đã đi được hơn một tháng rồi, đừng để nó qua đi và người ta tiếc nuối cho một quá khứ không đẹp. Hãy làm những gì có thể làm hôm nay chứ đừng đợi đến ngày mai.

Người viết chỉ là một hạt cát trong sa mạc nhỏ nhoi thôi. Nhìn vào thực trạng của đất nước, nhìn vào  MaMục lục

thực trạng của giáo hội thấy hình như có cái gì cay cay đắng đắng và đau đau trong cõi lòng. Thế nhưng nhỏ bé quá, hèn mọn quá biết làm sao bây giờ. Chỉ biết thêm một lời nguyện nhỏ nhoi để ngày mai đất nước cũng như giáo hội được tốt đẹp hơn, được thịnh vượng hơn, được đạo đức hơn, được thánh thiện hơn thôi.

An Mai

Mục lục

 

NƯỚC & SỰ SỐNG

 

Vào tháng Ba năm 2004, qua chương trình thám hiểm không gian mang tên "Mars Exploration Rover Mission" (Sứ Mệnh Rover Thám Hiểm Hoả Tinh), và sau 7 tháng bay từ trái đất đến hỏa tinh và đáp xuống an toàn, chiếc xe thám hiểm Rover đã chuyển các hình ảnh đầu tiên của hỏa tinh về trái đất, và mọi người đều bàng hoàng trước cảnh tượng của một hành tinh cách xa trái đất đến 35 triệu dặm!

 

Một trong những điều quan trọng mà cuộc thám hiểm này muốn tìm kiếm là vết tích của sự sống, và muốn có sự sống thì phải có nước. Trong bản tin ngày 2-3-2004, các khoa học gia của cơ quan NASA cho biết họ đã tìm thấy chứng cớ rằng trước đây hành tinh này ẩm ướt đủ để có sự sống, nhưng hiện giờ xe thám hiểm Rover không tìm thấy vết tích nào của sinh vật.

 

Nước cần thiết cho sự sống, không những ở trên trái đất, mà nước còn cần thiết ở bất cứ đâu trong vũ trụ. Các phi hành gia Hoa Kỳ đã đặt chân lên mặt trăng vào năm 1969 để thám hiểm, và họ xác nhận một điều là trên mặt trăng không có sự sống, chỉ vì không có nước.

 

Trong bài Phúc Âm hôm nay, sau một hành trình lâu dài và mệt mỏi, Đức Giêsu khát nước và đến bên cạnh giếng, và khi thấy có một phụ nữ đến múc nước, Người đã xin nước uống. Phản ứng tự nhiên của Đức Giêsu cho chúng ta thấy Đức Giêsu là một con người bình thường như chúng ta--đói thì muốn ăn, khát thì muốn uống.

 

Phản ứng của người phụ nữ, chúng ta thấy cũng là phản ứng của một con người bình thường, một con người sống theo bản năng tự nhiên--nói chung là ích kỷ, không muốn giúp đỡ người khác. Do đó, khi được xin nước uống, bà đã hỏi lại Đức Giêsu "Làm sao ông là người Do Thái mà lại xin tôi, một người đàn bà Samari, nước uống?" Bà đã đặt lại vấn đề thù hiềm giữa hai dân tộc để từ chối khéo. Nói cách khác, trong tâm hồn của bà không có tình thương, không có lòng bác ái để sẵn sàng giúp đỡ Đức Giêsu, bất kể những dị biệt. Có lẽ Đức Giêsu ngạc nhiên trước câu trả lời của bà và Người đã tiết lộ cho bà một sự thật: "Nếu bà đã biết ơn sủng của Thiên Chúa và nhận ra ai là người đang nói với bà, 'Cho tôi uống nước', thì có lẽ bà đã xin và người ấy sẽ ban cho bà nước hằng sống."

 

"Nếu bà đã biết ơn sủng của Thiên Chúa" cũng là câu nói của Đức Giêsu cho mỗi người chúng ta.

 

Chúng ta có thực sự biết ơn sủng của Thiên Chúa như thế nào không?

 

Ơn Chúa có phải là phép lạ hiển nhiên mà mắt phải thấy, tai phải nghe? Hay ơn Chúa nhẹ nhàng như cơn gió thoảng nhưng đủ xoá tan cái nóng giận khi chúng ta tha thứ cho ai đó xúc phạm đến chúng ta?

Ơn Chúa có phải thay đổi chớp nhoáng toàn bộ con người chúng ta? Hay ơn Chúa có thể giúp chúng ta ngày càng chế ngự được bản tính thấp hèn của con người qua những cố gắng sống Phúc Âm?

Ơn Chúa có phải trùm lấp sự tự do lựa chọn của chúng ta? Hay ơn Chúa có thể giúp chúng ta biết lựa chọn những gì là xứng hợp?

 

Ơn Chúa có thể đem lại cho chúng ta ơn cứu độ nhưng đó có phải là điều chúng ta tìm kiếm?

 

Sự ích kỷ của người phụ nữ Samari đã trở nên như bức màn che khiến bà không hiểu được sự thật, không nhận ra được người đang xin bà chút nước uống là ai, bởi thế bà đã hỏi lại Đức Giêsu với giọng mỉa mai: "Này ông, ông không có gầu, mà giếng lại sâu; vậy ông lấy đâu ra nước hằng sống?"

 

Có lẽ Đức Giêsu thấy tội nghiệp cho bà vì chỉ nhìn đến những gì trước mắt mà quên đi một thực tại quan trọng hơn nhiều, nên Người trả lời: "Ai uống nước này, sẽ lại khát; còn ai uống nước tôi cho sẽ không bao giờ khát nữa; nước tôi cho sẽ trở thành mạch nước đem lại sự sống đời đời nơi người ấy."

 

Cái nhìn của người phụ nữ Samari có thể tiêu biểu cho quan điểm của chúng ta ngày nay. Trong một xã hội giầu sang đề cao sự hưởng thụ, điều mà chúng ta nhìn thấy trên truyền hình, nghe được trong các đài phát thanh là "hãy hưởng thụ tối đa" dù có phải nợ ngập đầu, "hãy sống cho riêng mình" dù có phải dứt bỏ tình nghĩa gia đình: vợ chồng, con cái, anh chị em, v.v. Và rồi chúng ta lao vào vòng lẩn quẩn của vật chất, của ích kỷ. Càng hưởng thụ chúng ta càng lệ thuộc, càng nô lệ cho vật chất. Càng ích kỷ chúng ta lại càng cảm thấy mình hèn kém, nhỏ mọn, tầm thường. Và càng tầm thường chúng ta lại càng bám víu vào vật chất để cố tạo cho mình một giá trị--dù là bề ngoài. Vòng lẩn quẩn đó nói lên một sự thật, đó là vật chất không thể thoả mãn những khao khát của con người. Và khao khát lớn lao nhất của chúng ta là phẩm giá đích thực của một con người.

 

Đức Giêsu đem lại gì cho chúng ta? Tại sao Đức Giêsu có thể giúp chúng ta khỏi khát?

 

Đối nghịch với ích kỷ là tình yêu, là bác ái. Nói đến tình yêu là nói đến hy sinh, tha thứ và quảng đại. Và sự hy sinh, tha thứ, quảng đại giúp chúng ta trở nên cao thượng. Một người cao thượng là một người đã tìm lại được phần nào phẩm giá đích thực của mình, và vì thế họ trở nên trọn vẹn, trở nên đầy đủ, và vì thế họ không còn thèm khát. Nói khác đi, Thiên Chúa là tình yêu và ai sống trong tình yêu là sống trong Thiên Chúa. Và Thiên Chúa là tất cả, bởi đó ai có được Thiên Chúa là có được tất cả, là được no thỏa.

 

Trong chương trình "Good Morning America" của ABC News vào sáng thứ Tư 2 tháng Hai 2005, có phần phỏng vấn những người trúng số độc đắc ở Hoa Kỳ. Sau đây là một vài trường hợp mà phóng viên Jonann Brady đã kể cho chúng ta nghe:

 

Ông Billie Bob Harrel Jr. ở Houston , vào năm 1997 ông trúng xổ số $31 triệu của tiểu bang Texas . Hai năm sau, vì tiêu sài phung phí và hôn nhân đổ vỡ, ông đã tự tử bằng súng shotgun.

 

Ông William "Bud" Post làm việc với một tổ chức du ngoạn và là một thợ sơn làm công nhật. Năm 1988, ông trúng xổ số $16.2 triệu của tiểu bang Pennsylvania . Chỉ trong vòng vài tháng, cô bạn gái của ông đã thắng kiện để lấy được 1/3 số tiền trúng số, và em trai của ông bị bắt vì tội thuê mướn du đãng để giết ông. Ông Post bây giờ sống với tiền trợ cấp xã hội $450 một tháng và "food stamp."

 

Gần đây nhất là trường hợp trúng số của ông Jack Whittaker, sống ở vùng West Virginia . Vào Giáng Sinh 2002 ông đã trúng xổ số lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ--$314.9 triệu--nhưng sau đó biết bao tai họa đã đổ xuống đời ông.


Lần đầu, ông mất trên $500,000 tiền mặt và ngân phiếu khi bị ăn cắp từ chiếc xe của ông đang đậu ở bên ngoài câu lạc bộ vũ khoả thân Pink Pony; lần sau, $100,000 đô la khác cũng bị lấy trộm từ chiếc xe của ông đậu ở trước nhà. Sau đó cuộc đời ông ngày càng xáo trộn. Ông bị bắt giam nhiều lần vì tội đánh người ta. Kế đến, người ta tìm thấy thi hài người bạn trai của đứa cháu gái ông--chết vì sử dụng ma tuý quá liều--ngay trong nhà của ông trong khi ông đi vắng. Và sau hai lần bị bắt về tội say rượu lái xe, ông bị giam trong trung tâm chừa rượu 28 ngày. Gần đây, hai năm sau ngày trúng số, cô cháu gái 17 tuổi của ông là Brandi Bragg, bị chết vì sử dụng ma tuý quá độ.


Trong cuộc phỏng vấn với phóng viên đài ABC, ông Whittaker và luật sư của ông không cho biết gì thêm, nhưng vợ của ông, bà Jewel đã nói với tờ The Charleston Gazette rằng: "Phải chi tôi đã xé tấm vé số ấy thì giờ đây đâu có khổ như thế này!"

 

Ông Stephen Goldbart là một tâm lý gia và đồng sáng lập viên của tổ chức "Money, Meaning and Choices Institute" ở San Francisco, tổ chức này cố vấn cho những ai bỗng dưng trở nên giầu có, và ông cho biết "Trong xã hội Hoa Kỳ, chúng ta có khuynh hướng đánh giá quá cao vai trò của đồng tiền. Ước mơ của người Hoa Kỳ là thành công tài chánh. Đó là liều thuốc vô bổ, nhưng hầu hết ai cũng muốn."

 

Lời nhận định của ông thật đáng cho chúng ta suy nghĩ.

 

Đức Giêsu đã xuống thế cách đây trên 2000 năm, và tất cả những giảng dậy của Người vẫn còn có giá trị. Hơn bao giờ hết, ngày nay chúng ta phải cần đến ơn Chúa để có thể nhận ra được những gì là chân lý và vượt qua được những thử thách trong một đời sống thật phức tạp. Chúa vẫn sẵn sàng ban ơn cho chúng ta trong các bí tích. Qua bí tích rửa tội và thêm sức chúng ta được gia nhập vào cộng đồng của những người theo Chúa Kitô. Và Chúa Kitô đã không bỏ rơi chúng ta ở trần thế mà Người vẫn hiện diện và nuôi dưỡng chúng ta với Mình và Máu, là sự sống của Người. Vấn đề còn lại là chúng ta có cho đó là quan trọng để tìm kiếm ơn Chúa, để thay đổi đời sống cho xứng đáng với Mình và Máu Chúa mà chúng ta lãnh nhận trong mỗi Thánh Lễ.

 

Hãy nhớ rằng, khi chúng ta có sự sống của Chúa Kitô thì "nước ấy sẽ trở thành mạch nước đem lại sự sống đời đời" cho chúng ta.

 

Pt Giuse Trần Văn Nhật

Mục lục

 

 

NHÀ CHÚA HAY NHÀ CHÙA?


Nhân vụ khiếu kiện về nhà đất Tòa Khâm Sứ Tòa Thánh, tọa lạc ở số 42 Nhà Chung Hà Nội, có người lên tiếng cho rằng vụ việc không chỉ liên quan giữa Tòa Tổng giám mục Hà Nội và chính quyền Thành phố Thủ đô, mà còn liên quan đến cả Phật giáo, vì cho rằng khu đất ở ấy xưa kia là đất Chùa Bảo Thiên (hay Báo Thiên?). Trong số những người nêu lên vấn đề này, có ông Lê Quang Vịnh, nguyên Trưởng ban Tôn giáo chính phủ, và mới đây, Hòa thượng Thích Trung Hậu, Trưởng ban văn hóa trung ương Phật giáo, đã thừa ủy nhiệm của HĐTS GHPGVN, gửi văn thư, đề ngày 16/2/2008, cho thủ tứơng Nguyễn Tấn Dũng, đề nghị “nên xem Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một thành phần trong những thành phần chủ yếu để tham khảo trước khi có có quyết định cụ thể liên hệ đến sự việc trên.”


Như vậy hàm ý muốn đưa Phật giáo vào một cuộc thảo luận tay ba, giữa chính phủ, với Công Giáo và Phật giáo.


Chuyện khu đất ở số 42 Nhà Chung Hà Nội xưa kia có là đất của chùa Bảo Thiên hay không, thì nhiều người nói tới. Nhưng làm thế nào đất Chùa lại trở thành đất Chúa, thì đó mới là điều quan trọng cần phải làm sáng tỏ. Và điều này mới thật khó. Người thi bảo Tây cưỡng chiếm và đem cho các cố Tây để xây nhà thờ; người thì bảo chùa đã bị hoang phế nên nhà sư đã đem bán đất cho các cố Tây; hay vì lý do nào khác không rõ nữa, đất Chùa đã trở thành đất Chúa. Mà nếu chỉ có Chúa với Phật, thì chẳng có gì mà nói, vì có người nói không sai: Phật thì chỉ có một gốc bồ đề, còn Chúa thì chỉ có cái hang đá Bê-lem, hay cùng lắm còn có cây thập giá, chứ các Ngài đâu cần nhà thờ nhà thánh, hay đền chùa nào đâu. Vả lại Thiền chẳng thường nói: "Phật không ở trong chùa, Phật không ở trong kinh, Phật không ở trong tượng” đó sao? Còn Chúa thì Người đa nói: “Trời là ngai Ta, đất là bệ dưới chân Ta, Ta đâu cần các người phải xây nhà cho Ta?” Người Việt Nam ngày nay có một thành ngữ dễ thương: “của chùa”, để nói về một đồ vật nào đó có thể xài chung, hay cũng tương tự như người ta bảo “của Trời cho”, ai cũng có quyền hưởng.


Chuyện đất Tòa Khâm sứ xưa kia có là của chùa Báo Thiên hay không, là chuyện của quá khứ đã qua đi hơn một trăm năm rồi, chẳng còn một chứng nhân lịch sử nào còn sống để mà nói lên sự thật cho chúng ta hay. Ông Tây, ông Sư hay ông Cố đều đã nằm dưới những nấm mồ, và thân xác đã mục nát với thời gian. Ngòai ra, cũng không ai tìm được những chứng cứ xác nhận chủ quyền khu đất này là của ai, trước và sau khi có chùa, cũng như trước và sau khi chùa biến thành đất Nhà Chung. Chứng từ duy nhất có tính pháp lý hiện nay, là giấy chủ quyền mà Tòa Tổng giám mục Hà Nội nắm trong tay.

 

Ai cũng biết vấn đề nguồn gốc, chủ quyền đất đai nhà cửa rất phức tạp nhiêu khê, không chỉ ở Việt Nam, mà còn cả trên thế giới, trên bình diện quốc gia cũng như trên bình diện quốc tế. Những chuyện tranh chấp về ranh giới, về chủ quyền trên đất liền và cả hải đảo, vẫn còn đang là những chuyện tranh chấp căng thẳng, đôi khi dẫm máu giữa các quốc gia, cụ thể nhất là chuyện giữa Paléttin và Ítraen, đặc biệt là Kosôvô hiện nay. Còn tại Việt Nam chúng, chưa nói tới chuyện của một trăm năm trước, ngay chuyện xảy ra từ 1975 đến giờ cũng còn rắc rối lung tung: người chết, người mất tích, kẻ đi lánh nạn, kẻ vượt biên, nhà cửa để lại, nhưng những người thừa kế hợp pháp nhiều khi cũng không được ở, và những người chủ mới cũng đôi khi nối tiếp nhau ở đó mà chẳng có giấy chủ quyền, đến nay có khi người đang được ở đó cũng chẳng biết chủ cũ là ai, và nguồn gốc ngôi nhà ra sao.


Một vấn đề khác cũng cần được lưu ý: mỗi thời, mỗi chế độ đều có những luật riêng. “Không ai tắm hai lần trong cùng một dòng sông”, Héraclite đã nói như vậy. Vì thế đem luật ngày nay để giải quyết những vụ việc xảy ra ở thời trước là không thích hợp.


Cái ngày xưa coi là hợp pháp, thì ngày nay có thể bị coi là bất hợp pháp, và ngược lại, cái bất hợp pháp lại có thể trở thành hợp pháp chỉ cần có một tờ giấy, hay một lời tuyên bố như vậy. Thật thế, dưới chế độ cũ ở Sài Gòn, các tướng tá cứ đảo chánh, cướp chính quyền, -mà theo hiến pháp hiện hành lúc bấy giờ, thì là bất hợp pháp, là phản lọan,- nhưng rồi ông chủ tịch hay tổng thống hoặc thủ tướng “cách mạng” ấy sửa đổi hiến pháp, và nghiễm nhiên trở thành nhà lãnh đạo mới hợp pháp như ai!


Tôi nói thế không có ý chối bỏ sự kiện khu đầt tọa lạc ở số 42 Nhà Chung Hà Nội, có thể đã là đất Chùa Bao Thiên. Nhưng sự việc xảy ra hôm nay, bắt đầu tự thực tế lịch sử, là khi chiến tranh Đông Dương I, tức là cuộc Kháng chiến chống Pháp chấm dứt vào ngày 20 tháng 7-1954, đưa quân giải phóng trở về thủ đô, thì Đức Khâm sứ Tòa Thánh John Dooley vẫn còn ở tại ngôi biệt thự số 42 Nhà Chung này, cho mãi tới năm 1959 mới ra đi, nhưng không phải tự ý, mà do bị chính phủ ta mời ra khỏi Việt Nam, cũng như trường hợp vị Khâm sứ Tòa Thánh cuối cùng tại Miền Nam, bị trực xuất năm 1975.

 

Trong bài viết của linh mục Trương Bá Cần, đăng trong Tuần san Công Giáo và Dân Tộc, số 1644, ra ngày 15-2-2008, có một câu mà tôi thắc mắc, và nghe nói nhiều người rất bất bình, phản đối kịch liệt. Tác giả bài báo viết: “Trong cuộc di cư năm 1954-1955 cũng như trong cuộc di tản sau 30-4-1975, tất cả các ngôi nhà vắng chủ mà không có người được sở hữu chủ ủy quyền, trên nguyên tắc, đều do Nhà nước quản lý, cả những ngôi nhà cho người nước ngoài thuê.” (Trang 8). Nguyên tắc nào vậy? Của Nhà nước hay của linh mục Trương Bá Cần? Nếu là nguyên tắc Nhà nước cách mạng ra thì vào ngày tháng, năm nào? Do Chủ tịch nước, Quốc hội, hay chính phủ ban hành? Dù cho là luật pháp của Nhà nước đi nữa, thì cũng xin được phép đặt vấn đề: dựa vào đâu mà Nhà nước tự coi mình là người đương nhiên có quyền quản lý những ngôi nhà vắng chủ? Chuyện người dân có quyển sở hữu nhiều nhà đất, là chuyện thường, và vì thế, họ có thể ở nhà này, tạm bỏ trống những ngôi nhà khác là chuyện bình thường, nhất là trong lúc lọan ly. Thậm chí có người còn tạm lánh ra nước ngòai, mang theo giấy chứng nhận chủ quyền nhà đất, và khi trở về chính quyền vẫn nhìn nhận quyền sở hữu ấy, như tôi biết rõ trường hợp của một anh họ. Theo tôi nghĩ, Nhà nước chỉ quản lý những đất đai nhà cửa của những người bị kết án và bị tịch thu tài sản mà thôi.


Trong trường hợp của Đức Khâm sứ John Dooley, cũng như trường hợp của Đức Khâm sứ Henri Lemaitre ở Sàigòn sau này, cả hai đều đã không tự ý bỏ đi, để lại vườn hoang nhà trống, cả hai cũng chẳng hề bị kết án và tịch thu tài sản, nhưng chỉ bị trục xuất khỏi Việt Nam. Đức Khâm sứ John Dooley còn được ở lại dưới chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa những hơn 4 năm sau khi Chính quyền cách mạng tiếp quản thủ đo, còn Đức Khâm sứ Henri Lemaitre thì phải rời khỏi Việt Nam không bao lâu sau ngày 30-04-1975.


Vậy thì phải xếp hai Tòa Khâm sứ ở Hà Nội và ở Sài Gòn thuộc lọai tài sản nào đây? Nhất là khi chưa có bang giao chính thức giữa Chính phủ ta và Tòa Thánh Vatican?


Theo tôi được biết, nếu người ta chưa có ý đồ phá dỡ Tòa Khâm sứ ở số 42 Nhà Chung để đầu tư xây dựng một công trình kinh doanh lớn, thì Nhà Chung Hà Nội và bà con giáo dân cũng không đến nỗi bức xúc và tiến hành việc yêu cầu trả lại cho Giáo hội tại thủ đô. Ngòai ra, chính sự việc Tòa Khâm sứ ấy, từ ngày được gọi là tiếp thu, trước tới nay đã được dùng làm cơ sở văn hóa, với những sinh họat ồn ào náo nhiệt, cả ngày lẫn đêm, gây phiền hà rất nhiều cho Nhà Chung, và đặc biệt là cho Đại chủng viện sát kề bên.

 

Trở lại vấn đề đất của Chùa hay đất của Chúa, tôi xin đặt thẳng vấn đề như sau: nếu như lịch sử chứng minh được rằng đất Nhà Chung Hà Nội, bao gồm cả Nhà Thờ Lớn, Tòa Tổng giám mục hiện nay và Tòa Khâm sứ đang tranh chấp, là đất Chùa Bảo Thiên và đã bị Tây chiếm đọat đem cho các cố Tây, và từ đó thuộc quyền sở hữu của Nhà Chung Hà Nội, thì tôi tin rằng Giáo hội Công Giáo chúng tôi sẽ chẳng ngần ngại gì mà không trả lại cho Phật giáo, cũng như Đức Tổng giám mục Duval đã trả lại ngôi nhà thờ Chánh tòa Alger cho Hồi giáo, sau khi Algérie được độc lập, vì lý do ngôi nhà thờ đó vốn là một đền thờ Hồi giáo. Tuy nhiên, cũng xin hỏi rằng: liệu mọi người, kể cả chính quyền Hà Nội và Chính phủ nữa, có đồng ý biến Nhà Thờ Lớn thành chùa, hoặc phá đi để xây chùa mới hay không?


Còn nếu lý luận, như ông Nguyễn Thế Doanh, Trưởng Ba Tôn giáo của Chính phủ,- cho rằng dứơi chế độ Xã hội chủ nghĩa, tất cả đất đai đều quyền sở hữu của Nhà nước,- thì chẳng còn gì phải bàn, Nhà nước cứ việc trưng dụng mọi đất đai nhà cửa của dân, cho dù là đất chùa hay đất nhà thờ, chẳng ai dám kiện tụng gì nữa. Nhưng tại sao khi qui hoặch đất đai để mở rộng phố xá, đô thị, hay lập khu công nghiệp, chính phủ lại phải bồi thường giải tỏa làm chi? Đất của Nhà nước thì cứ sử dụng như “đất chùa”, đâu cần phải thương lượng với ai!


Nhưng nếu luật pháp nước ta còn tôn trọng nguyên tắc bảo vệ quyền sở hữu của công dân, cấp sổ hồng sổ đỏ cho những người có nhà có đất, thì việc trả lại nhà đất ở số 42 Nhà Chung cho Nhà Chung, thì đó là điều hợp lẽ phải, và cũng hợp tình nữa, như Đức Giêsu đã nói: “Của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa.” (Mt 22,21), nghĩa là đất Nhà Chung, thì trả về Nhà Chung!

Saigòn, ngày 20-02-2008

Lm Thiện Cẩm, OP.

 

Tháp Báo Thiên (1057) trong bối cảnh lịch sử thăng trầm của đất nước


hay Tháp Báo Thiên và mối liên hệ với quan niệm Trời trong tâm thức dân gian.

 

Ngôi tháp Báo Thiên là một trong tứ đại khí (bốn vật lớn: tháp Báo Thiên, Tượng Di lặc, chuông Quy Điền, vạc Phổ Minh) làm thành bảo vật của lịch sử và quốc bảo của dân tộc. Tháp nầy xây dựng riêng rẻ hay làm thành một quần thể kiến trúc nào khác; xây dựng thời nào, bởi ai, và tại sao lấy tên là Báo Thiên. Vấn đề đưa đến việc đặt ngữ nghĩa của tên gọi. Điểm cứ xây dựng và sự hiện hữu xuyên lịch sử, tới giai đoạn nào là không còn dấu vết?



\Đó là những câu hỏi mà bài sưu tra nầy muốn thử đặt ra để tự tìm hiểu, nhân thể bàn rộng ra theo mối tương quan của tháp có tên là Báo Thiên với chữ Thiên (Trời) mà dân gian Việt nam rất quen thuộc.

 

Năm xây cất và việc đặt tên:


Trong khuôn khổ bài nầy chúng tôi dựa sát tài liệu Đại Việt sử lược (VS) và Đại Việt Sử ký Toàn Thư (ĐST). Quyển Đại Việt Sử Lược, khuyết danh, người dịch: Nguyễn Gia Tường, hiệu đính Nguyễn khắc Thuần, nhà xuất bản TP Hồ chí Minh năm 1993 (sẽ dùng chữ tắt: VS) là một cổ thư về lịch sử Việtnam có khoản 1127-1140, trước Đại Việt sử ký (Lê văn Hưu, 1272) và Đại Việt sử ký toàn thư (Ngô sĩ Liên, 1470). Theo hai sách sử đó thì Năm Đinh Dậu (1057), mùa xuân tháng 3, xây bảo tháp Đại Thắng Tự Thiên, 30 tầng. Có sách sử khác ghi tháp có 12 tầng cao vài chục trượng (60-80m) (xem Hà Nội nghìn xưa của Trần quốc Vượng và Vũ Tuấn San, Sở Văn Hóa Thông Tin Hà Nội 1975 xb tr.176). Tháp không đứng riêng, mà nằm bên cạnh ngôi chùa xây trước đó một năm tức là năm 1056 nhằm năm Long Thụy Thái Bình.


Sách ĐạiViệt sử ghi: Dựng chùa Sùng Khánh Báo Thiên. Lấy 11000 cân đồng (nhiều bộ sử ghi 12000 cân đồng ở trong phủ ra đút chuông đặt tại chùa ấy (xem chú thích số 322 sách VS tr.144). Nhà vua (Lý Thánh Tông) thân hành làm bài minh khắc vào chuông. Sự việc xảy ra sau khi vua được nhà Tống phong làm Quận Vương (!) và tiếp sứ Chân Lạp sang cống (tháng 8 năm 1056). Như vậy chùa và tháp xây xong chỉ cách nhau 5, 6 tháng. Phải chăng để đánh dấu biến cố mà chùa và tháp hoàn thành vào thời điểm nầy. Danh gọi Báo Thiên, Tự Thiên gợi đến có ý nghĩa gì?

 

Chữ Thiên trong truyền thống đặt tên qua các triều đại.


Lý Nam Đế (544-548) mở đầu truyền thống với chữ ‘Thiên’ đặt cho niên hiệu mình là Thiên Đức. Bẵng đi một thời gian tới thời tự chủ với Lê đại Hành (941-1006), chữ Thiên bắt đấu tái xuất hiện, rồi kinh qua suốt đời Lý, chữ Thiên đã được các vua dặt cho niên hiệu và cung điện, đền, chùa, và các công chúa.


Niên hiệu Thiên Phúc (980-988) đánh dấu năm tức vị và kế tiếp của vua Lê Đại Hành và niên hiệu Ứng Thiên (994-1005) để ghi dấu các thắng lơi về binh bị và chính trị của Vua. Đặc biệt Đại Việt sử lược còn ghi khi lâm nguy trong chiến trận, vua bị giặc bao vây, con vua (Vệ Vương Đinh Tuệ) bị trúng tên chết: Nhà Vua kêu ‘Trời’ ba tiếng, giặc tự nhiên thua (VS tr103). Đại Việt sử ký toàn thư (ĐST) ghi thêm: “Vua kêu trời ba tiếng rồi thúc quân đánh, giặc tan vỡ” (Bản kỷ, q1, kỷ nhà Lê, tờ 23a) Cũng năm Ứng Thiên thứ 8 (1002) quân đội Đại Việt giàu mạnh đến đổi vua sai chế tạo mũ trận bằng bạc hơn vài nghìn cái, đem phân phát cho quân nhân(VS,103). Chùa Ứng Thiên ở làng Cổ Pháp có lẽ cũng được xây dựng thời nầy, có liên hệ với việc sinh ra của Lý Công Uẩn sau nầy (xem thêm Việt sử tiêu án của Ngô Thì Sĩ).


Đến năm 1006, con vua Lê Đại Hành là Long Đĩnh tuy không có quân cách và quân phong như vua cha nhưng theo truyền thống? cũng mang tôn hiệu là “Khai thiên ứng vận thánh thần võ tắc thiên sùng đạo (VS). Ông vua hoang độ nầy không sống theo tôn hiệu có hai chữ thiên làm hộ mạng nên vắng số tiêu vong để triều Lý lên thay.


Triều Lý (mà sách Đại Việt sử lược ghi triều Nguyễn theo lệnh của nhà Trần sau đó) mở đầu với Lý Công Uẩn (1009-1028) một đệ tử thuần thành của thiền sư Vạn Hạnh, đã nghe lời khuyên của quần thần lên làm vua (xưng là Lý Thái Tổ) ‘để cho trên thuận lòng trời, dưới theo nguyện vọng của dân’ (VS và ĐST q1, tờ 33b) lấy tôn hiệu là:

Phụng thiên chí lý ứng vận tự tại thánh minh Long hiển duệ văn anh võ sùng nhân quảng hiếu, thiên hạ thái bình khâm minh quang trạch chiêu ngưỡng vạn bang hiển ứng phù cảm oai chấn phiên man duệ mưu thần công thánh trị tắc thiên đạo chánh. ’’(chúng tôi gạch dưới).


Ông vua nhân ái vì theo Thiên Đạo Phụng Thiên nên khi lên ngôi tháng 11 tha hết những người bị tù tội, đốt bỏ những dụng cụ tra tấn (VS và ĐST q1, tờ 33b) đổi niên hiệu là Thuận Thiên (1010) và ra lệnh qui định lại luật pháp họp với lẽ nhân đạo cho thuận lòng Trời, đổi sông Bắc giang là sông Thiên Đức và làng Cổ Pháp là phủ Thiên Đức...


Trong thành dựng chùa Hưng Thiên (VS).. Năm 1011 dựng chùa Tứ Thiên Vương.


Năm 1012 “Vua thân đi đánh Diễn Châu. Khi về đến Vũng Biện gặp lúc trời đất tối sầm, gió sấm dữ dội, vua đốt hương khấn trời rằng: “Tôi là người ít đức, lạm ở trên dân’ nơm nớp lo sợ như sắp sa xuống vực sâu, không dám cậy binh uy mà đi đánh dẹp càn bậy. Chỉ vì người Diễn Châu không theo giáo hoá, ngu bạo làm càn, tàn ngược chúng dân, tội ác chồng chất, đến nay không thể dung tha không đánh. Vòn như trong khi đánh nhau, hoặc giết oan kẻ trunghiếu, hoặc hại lầm kẻ hiền lương, đến nổi hoàng thiên nổi giận phải tỏ cho biết lỗi lầm, dẫu gập tổn hại cũng không dám oán trách. Đến như sáu quân thì tội lỗi có thể dung thứ, xin lòng trời soi xét’’ (ĐST q2, tờ 5b: Chúng tôi gạch dưới).


Năm 1016, năm Thuận Thiên thứ 7, được mùă to, miễn thuế cho trong cõi ba năm (VS 119 và ĐST q2, tờ 7b) dựng chùa Thiên Quang, chùa Thiên Đức và đắp tượng Tứ Thiên Đế. Giúp cho hơn 1000 người chốn kinh sư làm tăng đạo (VS 119 và ĐST q2,tờ 9a). Năm 1021 nhằm sanh nhựt của vua, vua cho dùng ngày ấy là tiết Thiên thành (VS từ tr.109-122).


Vua Lý Thái Tông năm Mậu Thìn (1028) đổi niên hiệu Thuận Thiên của vua cha làm năm Thiên Thành thứ nhất (ĐST q2, tờ 14b), đặt tôn hiệu mở đầu bằng 4 chữ Khai Thiên thống vận tôn đạo...(VS t.124 và ĐST q 2 tờ 14b)), lấy ngày sinh nhật vua làm tiết Thiên Thánh (VS 125 và ĐST q2, tờ 16b), dựng chùa Thiên thắng (VS 126); đổi diện Càn Nguyên thành điện Thiên An (VS tr.126 và ĐST tờ 19b), xây điện Phụng Thiên (ĐST tờ 20a) trước lầu chuông cho dân chúng đánh kêu oan. Năm 1030, năm Thiên Thành thứ ba, cho dựng điện Thiên Khánh. Năm Thiên thành thứ 4 (1031) dân Châu Hoan (Nghệ An) làm phản, vua dẹp yên giặc Xây cất chùa chiền 150 ngôi (VS 127 và ĐST tờ 20b)., Ruộng Đỗ Động Giang cho giống lúa chín bông, vua xuống chiếu đổi tên ruộng là Ứng Thiên (ĐST tờ 20b) Năm 1035 lập người thiếp yêu làm Thiên Cảm hoàng hậu(ĐST tờ 23a).


Năm 1037, dựng đền Hoàng Thánh Đại Vương. Trước đây vua thấy phủ Đô hộ để nhiều án ngờ, quan sĩ sư không xé đoán được’ muốn tỏ rõ sự linh htiêng sáng suốt để tiệt diệt kẻ gian trá, bèn tắm gội đốt hương khấn Thiên Đế’(ĐST tờ 25a).


Mùa đông 1041, vua ngự đến núi Tiên Du xem làm viện Từ Thị Thiên Phúc. Khi về, xuống chiếu phát 7560 cân đồng trong kho để đúc tượng Phật Di Lặc và hai vị Bồ tát cùng chuông để ở viện ấy’(ĐST tờ 29a).Năm 1043 dẹp yên giặc châu Văn, bắt được ngựa tốt, vua đặt tên cho một con tên là Tái Thiên (ĐST tờ 31b).


Năm 1045, tháng 7 vua thân chinh vào thành Phật Thệ của Chiêm Thành (bị đổi là Thừa Thiên), tháng 10 đổi niên hiệu là Thiên Cảm Thánh Vũ và tăng tôn hiệu thêm tám chữ là Thánh Đức Thiên cảm Tuyên Uy Thánh Vũ (ĐST tờ 36a). Năm ấy được mùa to (VS136). Năm 1054 vua băng hà Vua đưọc táng ở Thọ Lăng phủ Thiên Đức(VS 141).


Vua Lý Thánh Tôn (1054) lên ngôi lấy tôn hiệu với câu đầu: Pháp Thiên ứng vận sùng nhân chí đức. truy tôn mẹ họ Mai là Kim Thiên Hoàng Thánh hậu. Đặt quốc hiệu là Đại Việt (ĐST tờ 39b)..Xuống chiếu bỏ những hình cụ tra tấn (VS 142) để sống đúng với tôn hiệu sùng nhân chí đức,theo luật Trời. Năm 1055 lấy ngày sinh nhật làm thành tiết Thừa Thiên. (ĐST q3 tờ 1a). Vua Thánh Tôn cho hậu thế một câu để đời, đó là câu mà VS ghi:

 


“Mùa đông, tháng 10 lạnh lắm, vua bảo kẻ tả hữu rằng: Ta ở trong cung sâu, sưỡi lò than, mặc áo hồ cừu mà còn lạnh như thế nầy, huống chi những kẻ ở trong tù, khốn khổ vì trói buộc, phải trái chưa phân minh mà quần áo không đủ, thân thể không có gì che, nên mỗi khi cơn gío lạnh khắc nghiệt thì há không chết được người vô tội hay sao! Ta vô cùng thương xót Rồi lệnh vua truyền xuống quan Hữu ty phải cấp phát chăn chiếu ở trong kho phủ ra cho tù nhơn, luôn luôn cung cấp cơm ngày hai bữa (ĐST q3 tờ 1b).


Năm nay (năm Ất mùi) trong cõi được miển tiền thuế một nửa (VS 143). Năm sau (1056) bày ra hội La Hán ở điện Thiên An, dựng chùa Sùng Khánh Báo Thiên, ‘phát một vạn 2 nghìn cân đồng để đúc chuông lớn Vua thân làm bài minh. Mùa xuân (1057) xây tháp Đại Thắng Tự Thiên cao vài chục trương, theo kiểu 12 tầng (tức là tháp Báo Thiên) (ĐST q3,tờ 1b. tờ 2a): trong vòng nửa năm xây dựng hai công trình kiến thiết có tiếng vang để đời (ta sẽ đề cập tiếp phần cuối).


Tháng chạp năm ấy dựng chùa Thiên Phúc và chùa Thiên Thọ, đúc tượng Phạn Vương’ tượng Đế Thích để an vị vào chùa ấy (VS 144) Năm 1058 dựng điện Bát giác Khổn Thiên (có sách chép là Hồ Thiên xem chú thích số 325 sách VS145).


Mùa hạ, tháng 6 (năm 1065) VS còn thuật một câu nói đượm tình nhân ái khi nhà vua ngự ở điện Thiên Khánh nghe việc kiện tụng, bên cạnh có công chúa Động Thiên đứng hầu,: Vua nhìn công chúa rồi bảo viên ngục lại rằng: Ta yêu thương ta cũng như yêu thương thiên hạ. Ta yêu thiên hạ như bậc cha mẹ yêu thương con của họ vậy. Nhưng trăm họ có nhiều kẻ không hiểu biết, tự dấn thân vào đưòng phạm pháp, ta thương xót lắm vậy. Vậy từ nay tội trạng bất kể nặng nhẹ cũng nên theo một cách là khoan thứ cho họ(VS 150 và ĐST q3 tờ 3b)).


Muà xuân 1066 đổi niên hiệu là Long Chương Thiên Tự năm thứ nhất.. Gả công chúa Thiên Thành cho Thân đạo Nguyên.


Năm Mậu thân (1068) đổi niên hiệu là Thiên Huống Bảo tượng thứ nhất sau khi nhận 2 con voi trắng (Trời cho con voi trắng) (ĐST tờ 4b).


Năm Kỷ Dậu (1069) bỏ niên hiệu Thiên Huống lấy niên hiệu Thần Võ thứ nhất: thân chinh chiếm thành Phật Thệ (quốc đô Chiêm Thành nay là làng Nguyệt Bậu, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên), phá rụi hơn 2660 căn nhà dân, bắt vua Đệ Củ của Chiêm Thành về Thăng Long (ĐST tờ 4b). Năm Thần Võ thứ 2 (1070) xây chùa Đông nam Nhị Thiên Vương. Năm Thần Võ thứ 3(1071) vua viết chữ Phật dài 6 trượng” có sử ghi dài 1 trượng 66 thuớc (VS 156 với chú thích số 356). Năm 1072 vua qua đời, an táng tại Thọ Lăng thuộc phủ Thiên Đức.

 

Vua Lý Thánh Tôn được sử sách ghi nhiều câu nói đầy lòng nhân ái suốt những năm lấy thiên đạo làm kim chỉ nam. Chỉ những năm cuối đời, lúc bỏ chữ Thiên làm niên hiệu để mặc lấy chữ Võ thay vào thì thấy để lại những sự việc đáng tiếc, nhứ t là đối với dân tộc Chiêm Thành.


Vua Thánh Tôn băng được dâng tôn hiệu với câu đầu là: ’Ứng Thiên Sùng Nhân chí đạo..’


Vua Lý Nhân Tông sanh năm Long Chương Thiên Tự thứ nhất (1066) bởi Nguyên phi Ỷ Lan, khi lên ngôi, lấy tôn hiệu mở đầu bằng câu: Hiển Thiên Thể Đạo Thánh.. . lấy sanh nhựt làm tiết Thọ Thiên và tôn mẹ lên bậc Thái Phi. BàThái Phi Ỷ Lan sau nầy vì chuyện tranh quyền hành hay vì có tính hay ghen ghét (VS 161 va ĐST tờ 7a) đã nhúng tay vào việc giam giữ Thái Hậu Thượng Dương và 72 thị nữ rồi bức bách bắt đem chôn sống theo vua Thánh Tông (VS 162 và ĐST tờ 7b) Sau vụ việc nầy bà nghiểm nhiên làm Thái Hậu lấy tên là Linh Nhân. Sử ghi là bà giỏi về chính sự: như việc ở nhà yên trị giữ nước để cho vua (Thánh Tôn) đi đánh giặc (ĐST tờ 4 b), và vào cuối đời (1103) Bà hay làm việc tế bần như xuất tiền trong kho ra để chuộc lại số con gái nhà nghèo bị cầm thế, đem về gả cho những người góa vợ (VS 177 và ĐST 14a) và cho xây nhiều chùa chiền thờ Phật như để sám hối về việc đã lở lầm xưa (VS chú thích 393 tr.177).


Triều đại nầy sử nhắc nhiều đến việc Chiêm Thành đi cống 2,3 lần trong năm: cống mùa đông, mùa thu, có khi cả mùa hè và Chân Lạp cũng cống mỗi năm 1,2 lần. Không thấy nhắc nhiều tên gọi có chữ Thiên như các đời vua truớc, chỉ có 2 lần kể trên và 2 lần cuối với niên hiệu là Thiên Phù Duệ Vũ thứ nhất (Canh Tý 1120, ĐST 20a) ) sau khi nhà Tống phong cho chức Thủ Tư Không, và Thiên Phù Khánh Thọ (1127, ĐST 24b) sau khi nước Tống loạn to. Cũng năm ấy vua từ trần và an táng tại Phủ Thiên Đức.

Vua Lý Thần Tông lên ngôi năm Thiên Phù thứ nhất (1127) ở điện Khổn Thiên, lấy tôn hiệu Thuận Thiên Quảng vận khâm minh nhân hiếu Hoàng đế (29b). Năm 1128 lấy niên hiệu Thiên Thuận (ĐST 28b), sách lập con gái của Lý Sơn là Lệ Thiên hoàng hậu(ĐST 30b). ‘Lá phướn của hai chùa Thiên Long và Thiên Sùng không gió mà tự lay động như múa. Vua ngự xa giá đến hai chùa ấy để lễ tạ’(ĐST 29a) An táng vua Nhân Tông ở lăng Thiên Đức. Lấy ngày sinh nhựt của vua làm tiết Thiên thụy. (ĐST 31b).Năm 1129, Chân Lạp đánh phá Nghệ An, dẹp được giặc, năm 1129 làm lễ mừng tại gác Thiên Phù về việc 84000 bảo tháp đã hoàn thành (tháp nhỏ bằng đất nung VS 194và ĐST 32b). Năm 1132 sinh hoàng thứ trưởng tử đặt tên là Thiên Lộc (ĐST 37a). Dựng điện Cảm Linh và gác Phụng Thiên (ĐST 37b) Năm 1133 đổi niên hiệu là Thiên Chương Bảo Tự thứ nhất. Năm 1134 dựng hai chùa Thiên Ninh và Thiên Thành (ĐST 38a). Vua được rùa mắt có 6 ngươi, bèn xuống chiếu cho các học sĩ và các tăng đạo biện nhận, đọc thành tám chữ: Thiên thư hạ thị thánh nhân vạn tuế ‘ (ĐST 38b). Năm 1136 Hoàng trưởng tử sinh được đặt tên là Thiên Tộ (ĐST 40a).Tô Vũ dâng rùa thần. Các quan nhận ra bốn chữ “Nhất thiên vĩnh thánh’’(40a) Năm 1137 vua ngự đến chùa Báo Thiên, làm lễ Phật Pháp Vân để cầu mưa. Đêm ấy mưa to’(ĐST 40b). Năm 1138 vua qua đời (ĐST 42a), an táng tại phủ Thiên Đức.

Vua Lý Anh Tông tên húy là Thiên Tộ lấy tôn hiệu bằng câu đầu: Thể Thiên thuận đạo..Năm 1147 dựng 6 sở kho Thiên Tư. Tháng 11 làm nhà cho công chúa Thụy Thiên ở châu Lạng (ĐSTq4,6a). Năm 1149 công chúa Thiên Thành mất (ĐSTq4, 6b).Năm 1153 xây cung điện Ngự Thiên (VS 107) Năm 1155 làm cung Lệ Thiên (ĐST,12a). Tháng 12 làm hành cung Ngự Thiên (12 b).


Năm 1158, xây chùa Chân Giáo ở Hà nội. Nhà vua hạ chiếu lấy vàng ở trong kho ra mạ tượng Phạn Vương và tượng Đế Thích rồi cho đặt vào chùa Thiên Phù, chùa Thiên Hỗ (có sách chép là Thiên Hựu (VS 210). Cây cột chùa Thiên Phù, Thiên Hỗ chảy máu. Năm 1164 sửa lại điện Thiên An.


Nhà Tống phong vua làm An Nam Quốc Vương, đổi Giao Chỉ làm An nam quốc. Trước đó gọi là Giao chỉ Quận Vương (ĐST 14a). Thật ra quốc hiệu vua Lý Thánh Tôn đã đặt là Đại Việt từ năm 1054. Năm 1168 công chúa Thiên Cực về với quan Lạng châu mục là Hoài Trung Hầu (VS 213). Sau khi trao 10 con voi cho nhà Tống làm lễ Nam Giao, đổi niên hiệu năm 1174 là Thiên Cảm Chí Bảo thứ nhứt. (VS 215) Theo VS thì Nhà Tống gọi nước Việt ta là nước An Nam, vua là Quốc Vương quốc hiệu được lập bắt đầu từ đó (VS 215). Vua băng năm Thiên Cảm chí bảo thứ hai và an táng tại phủ Thiên Đức.


Vua Lý Cao Tông lên ngôi’ tôn mẹ là Thái Hậu Chiếu Thiên Chí Lý, và lấy tôn hiệu là Ứng Thiên ngự cực hoành văn hiến vũ...đạo chí nhân ái (VS217)


Năm 1179, có động đất. Thái úy Tô HiếnThành chết. Vua bớt ăn 3 ngày’ nghỉ thiết triều 6 ngày (ĐST q4,18b). Nhà vua và Thái hậu xem con em các bậc tăng quan (thày tu làm quan) thị tụng kinh Bát Nhã. Coi khoa thi Tam giáo. Năm 1180: nhà vua xuống chiếu cho hàng Tam giáo (Nho Phật Lão) sửa sang các văn bia ở trong đại nội (VS 223). Năm 1186, tháng giêng, nhà Tống phong vua làm An Nam Quốc Vương, chế thư đại khái nói: “Ngay bắt đầu đã phong cho tước ấp ở một nước yên vui, được theo lệ cha truyền con nối ban sắc mệnh cho được thực thụ tước vương’ cần gì phải đợi thăng dần theo thứ tự’’(ý nói không theo thứ tự thăng dần từ Qiao chỉ Quận Vương rồi Nam Bình Vương rồi An Nam Quốc Vương). Năm 1187, tháng 7, bắt được voi trắng đặt tên là Thiên Tư (của Trời). Xuống chiếu đổi niên hiệu là Thiên Tư Gia Thụy năm thứ nhất. (ĐST q4,20b và VS227). Năm 1188, đại hạn, vua đến chùa Pháp Vân để đảo vũ, nhân rước tượng Phật Pháp Vân về chùa Báo Thiên (ĐST 20b). Năm 1194, mưa đá, có tảng to bằng đầu ngựa. Đóng thuyền Thiên Long. Năm 1195: động đất. (ĐST 22a). Năm 1197, vua ngự ở điện Thiên Khánh để cân nhắc phán xét các tội ngục hình (VS 235) Năm 1202, động đất, hoàng tử Thầm sinh. Đổi niên hiệu là Thiên Gia Bảo Hựu năm thứ nhất (ĐST 22b). Năm 1203, Thiên Gia Bảo Hựu thứ hai xây cất cung mới ở phía tây tẩm điện. Ở giữa dựng điện Thiên Thụy. Bên tả dựng điện Dương Minh. Bên hữu dựng điện Thiên Quang. Phía trước là điện An Chánh Nghi. Ở trên lại dựng điện Kính Thiên (VS 237 và ĐST 23a) Năm 1205 Điện Thiên Thủy xây cất hoàn thành, nhà vua cho quần thần ba ngày dự yến tiệc (VS245) Năm 1206, nhà vua ngự ở gác Kính Thiên, tháng ba cung Phụng Thiên bị cháy. Năm 1207-8: giặc cướp nổi như ong. Đói to, người chết nằm gối lên nhau (ĐST24b,25a). Năm 1210 vua băng.

 

Vua Lý Huệ Tông kế vị (1211-1224) không thấy có chữ Thiên, loạn lạc: giặc trong giặc ngoài tứ tung. Năm cuối đời có lúc phát điên. Quyền trong nước dần dần về tay người khác. Vua xuất gia ở chùa Chân Giáo truyền ngôi cho công chúa Chiêu Thánh.


Vua Lý Chiêu Hoàng (1224) công chúa Chiêu Thánh với tên húy là Phật Kim sau đổi là Thiên Hinh lên ngôi lấy tôn hiệu là Chiêu Hoàng và đổi niên hiệu là Thiên Chương Hữu Đạo. Ở ngôi được hai năm rồi truyền ngôi cho họ Trần (ĐST 32a).


Kết thúc một triều đại mà chữ Thiên được đặt lên hàng đầu trong các danh gọi: từ tôn xưng, niên hiệu, sanh nhựt, tên công chúa chí đến cung, điện, chùa chiền, lăng phủ, sông rạch.


Qua đến đời Trần: chữ Thiên được nhắc ở tôn hiệu năm đầu (1225) là “Khải Thiên lập cực chí nhân chương hiếu hoàng đế” (ĐST 34b) và năm 1232 vua Trần lấy niên hiệu là Thiên Ứng Chính Bình và năm 1369 là năm Thiên định. Được một năm là dứt điểm.

Thế là chấm dứt cả mấy thế kỷ liên tục lấy chữ Thiên làm chủ đạo trong việc cai trị đất Đại Việt (216 năm triều Lý). Kết thúc trang sử đời Lý, sử thần Ngô sĩ Liên viết như sau:.. ’Từ đời Huệ Tông trờ lên đến Thái Tổ là tám đời mà Huệ Tông tên là Sảm, tức là mặt trời gác núi, hết bóng. Thế thì nhà Lý được nước là tự trời, mất nước cũng là tại trời vậy” (ĐST 35a, 35b)

 

“Thiên’’ một chữ gợi nhiều âm hưởng trong tâm thức dân gian.


Các vua thời đại cựờng thịnh của Đại Việt đã hiểu thấu tâm cảm của dân gian nên chi đã chẵng ngần ngại coi việc mình lên trị vì thiên hạ là một việc Ứng Thiên, Thiên định, Thiên Hựu do vậy phải chăm lo săn sóc dân chúng cho họp đạo Trời: Thiên đạo. Phải lo xây cất những chùa chiền Phụng Thiên, điện đài Kính Thiên, để tỏ bày lòng thành kính cho thuận với lòng Trời: Thuận Thiên. Như vậy Thiên Ý mới được Thiên Thành. Trong ý hướng đó điện Kính Thiên (1202) phải ở trên trước các điện khác, không phải ở bên tả hữu hay ở giữa mà phải ở trên trước (xem phần lịch sử ở trên). Và để kiểm chứng hành vi cai trị có họp Thiên ý và Thiên đạo hay không, ngoài việc tế Nam Giao còn phải báo đáp, báo ân Trời và tường trình báo cáo Trời về công việc của mình. Nơi thể hiện tâm tìnhỳ báo đáp, báo ân, báo cáo đó phải ở trên trước cao tận Trời với Tháp Báo Thiên (xây năm 1057). Tính cách nổi vượt nầy đã được nhà thơ lớn Phạm Sư Mạnh (đời Trần) diển tả như sau:


Trấn áp đông tây củng đế kỳ,

Khuy nhiên nhất tháp độc nguy nguy

Sơn hà bất động kình thiên trụ

Kim cổ nan ma lập địa chùy

(Đề Báo Thiên tháp)


Trấn áp đông tây, giữ vững kinh kỳ,

Ngọn tháp sừng sững trội vượt hẳn lên.

Chiếc cột chống trời đứng đó làm cho non sông yên ổn,

Như mũi dùi trên đất xưa nay chẳng hề mòn.

 

Bài thơ nầy diển tả được tính cách trổi vượt của Tháp, nhưng chưa chắc diển đúng ý nghĩa của tên Tháp là Báo Thiên, bởi lẽ trên đĩnh tháp có hàng chữ Đạo Lý Thiên một thể hiện cung kính rõ rệt về đạo lý của Đấng Tối Cao (Ông Trời) mà từ vua tời chí dân cả nước cần chiêm bái và tuân thủ vâng phục, chứ có lẽ nào dựng cột để chống Trời như thi sĩ đời Trần kia!


Chữ Thiên qua suy nghiệm trên không thể hiểu một cách hời hợt phiến diện: tức không thể vì nhà Tống qua hai triều đại Tống Thiên Hy và Tống Thiên Thánh (1012-1031) có dùng chữ Thiên mà nhà Lý bắt chước dùng theo. Cũng không thể coi rằng đây chỉ là do ảnh hưởng Khổng Nho, vì theo thờI điểm lịch sử nầy Phật Giáo mớI thịnh hành, chiếm địa vị độc tôn, khiến các sữ gia Lê văn Hưu và Ngô sĩ Liên về sau đã đem lờI phê phán (như sẽ bàn sau) chứ Khổng Nho chưa hẳn được thịnh hành và ảnh hưởng sâu rộng ở Đại Việt. Vả lại nếu coi là nhờ ảnh hưởng của các Nho thần đi nữa thì cũng phải hiểu Khổng Nho cũng không sáng tạo quan niệm từ không không mà là làm công việc kết đúc định hình hệ thống hóa từ quan niệm “Trời’’có sẳn của dân gian, như vậy mớI có sức phổ biến và dân gian mớI dễ dàng chấp nhận. Hẳn là dân gian Đại Việt đã sống theo tín niệm nầy (chứ không phải nhờ đọc chữ Nho mà biết Trời vì đa số còn ít chữ) nên chi các vua Triều Lý đã nắm bắt được tâm lý ấy để làm nổI bật việc mình lên ngôi vua là “ứng mệnh trời, thuận lòng người “theo như sữ thần Ngô sĩ Liên nhận định (ĐST q2,tờ 1a). Và khi lên ngai trị vì, gặp lúc nguy nan thì kêu trời, lúc đánh giặc gặp bất trắc,’’ biết đốt hương khấn trời, xin lòng trời soi xét” (ĐST q2,tờ 5b) Ngô Sĩ Liên nhận ra niềm tin tưởng đó của vua nên đưa ra lờI nhận định rằng:’’Trời và người cảm ứng nhau rất nhỏ nhạy, ảnh hưởng rất chóng, ai bảo là trong chỗ tối tăm mặt trời không soi đến ta mà dám dối trời chăng?’’(ĐST q2, tờ 6a).


Dù sao nếu các nho thần của Triều Lý có đóng góp phần mình để làm nên những niên hiệu, tôn hiệu, danh hiệu, danh tánh có ngữ nghĩa “siêu linh’’ như thế thì cũng là một việc họp lẽ Trời và thuận lòng dân vậy.


Tháp Báo Thiên một công trình vĩ đại lưu danh thiên cổ.


Đây là một công trình kiến thiết quy mô vĩ đại với bao nhiêu vật liệu đặc sản đồ đồng của nước có Núi đồng (Đồng sơn: phải chăng văn hóa Đông sơn (culture dongson-nienne) là cách nói trại không dấu của tây phương). Núi đồng là quốc thổ và đồ đồng làm nên trống đồng chủ hữu, chủ địa của dân tộc từ ngàn xưa.

Dựng Tháp để tôn vinh đạo lý của Trời cách công khai thanh thiên bạch nhựt, xây trên thửa đất cao ráo (gò nổng) và có nhiều tầng để ai dù ở xa cũng phải thấy, phải biết: tính cách đạo lý phải nêu cao. Ngoài ra đạo lý đó còn phải được khắc ghi trong tâm khảm mọi người. Từ vua tới chí dân, phải lấy luật trời Pháp Thiên làm mẫu mực đức độ, làm ánh sáng chiếu soi: các ngôi Chùa Thiên Đức, Thiên Quang được xây dựng với các tên gọi có ngữ nghĩa tỏ rõ đức sáng của Trời phải chăng là để nhắc nhỡ dân chúng tề tựu cúng bái ở chùa chiền noi theo đức độ sáng soi chiếu giọi của Trời. Ngoài ra tên gọi Báo Thiên của ngọn tháp cao tận trời nầy tự nó nói lên ý thức của việc báo đáp, báo ân, báo cáo với trời những việc trong nhân gian mà nhà Vua là bậc Thiên tử con trời phải lo chu tất để thi hành nghĩa vụ của mình. Trời là trên trước cần nhắc nhỡ và kêu gọi nên danh tánh Trời đã được gọi trong tôn hiệu như Ứng Thiên, Thuận Thiên, Thể Thiên, Phụng Thiên, Pháp Thiên; trong niên hiệu như Thiên cảm, Thiên Thuận, Thiên Phù, Thiên Huống, Thiên Thành; trong các ngày sanh nhựt, khánh tiết của vua như Thừa Thiên, Thiên Thụy, Thiên Thánh; trong việc đặt tên hoàng hậu như Chiếu Thiên, Thiên cảm, Lệ Thiên; đặt tên con cái vua như điện hạ Khai Thiên, công chúa Thiên Thành, công chúa Động Thiên, công chúa Thánh Thiên và tất cả những đền chùa cung điện vv. Tất cả như đều hàm ngụ ý hướng cao cả hướng thượng quy Thiên nầy.

Vị trí xây dựng: Tháp có tên đầu tiên là “Đại Thắng Tư Thiên Bảo Tháp’’dựng kế bên ngôi chùa có tên là ‘Sùng Khánh Báo Thiên’’ nên sau được gọi là Tháp Báo Thiên. Đất Thăng Long nguyên là đồng bằng có nhiều ao hồ sông rạch và đầm lầy mà nay vẫn còn dấu vết. Tìm chổ cao ráo để xây dựng một công trình to lớn như chùa và Tháp có tầm cở bực nhứt như thế, Vua Thánh Tôn phải chọn một qủa đồi gần Bờ Hồ Lục Thủy (hồ quanh năm có màu lục). Hồ nầy trước kia lớn, vua có thể tổ chức đua thuyền, tổ chức trò chơi các dịp lễ lớn, sau vì nhiều công trình kiến thiết Thăng Long làm cho hồ thu hẹp dần diện tích, nay chỉ còn là một hồ nhỏ ta gọi là hồ Hoàn Kiếm.


Vật liệu kiến trúc: Hai vật liệu nặng nhứt có thể tìm thấy vào thời nầy là đá và gạch nung. Nền tháp bằng đá có 4 góc, tức là theo hình vuông có bốn cửa ăn thông. Gạch xây trên nền đá đều có khắc ghi chữ “Lý gia đệ tam đế Long Thụy Thái Bình tứ niên tạo’’: tức là làm đời vua Lý thứ ba có niên hiệu là Long Thụy Thái Bình. Tường vách trang trí còn có những mẩu đá tạc tượng người, tiên, chim muông và các vật dụng như chén bát, giường ghế ‘không thể kể xiết, toàn bằng đá cả ‘(sd Hà nội nghìn xưa tr.176).

Chiều cao và các tầng: Theo Đại Việt sử lược thì tháp cao tới 30 tầng, nhưng nhiều sách khác cho là 12 tầng với bề cao vài chục trưọng(60-80 m). các tầng trên cùng làm bằng đồng, vật sản văn minh bản địa. Tầng thứ ba trên cửa tháp có khắc chữ “Thiên tử vạn thọ’’ một lời ước chúc Vua sống trường thọ muôn tuổi. Trên chót đỉnh tháp có hàng chữ “Đạo Lý Thiên’’ để tỏ rõ Đạo Lý của Đấng tối cao chiếu rọi kháp nhân gian thiên hạ. Vì ở chổ cao ngất tầng mây không có gì che khuất: từ xa ai cũng trông thấy. Thiền sư Nguyễn Minh Không từ chùa Keo xứ nam, thuyền giăng ba ngọn ngược dòng sông Hồng Hà để tới bến An Duyên (Yên sở, Thanh Trì) đã cho biết nhìn thấy tháp Báo Thiên từ xa, đã để lại bài cảm thán với câu mở đầu như sau:


“Tằng tằng bảo sái nhập vân yên..’’

(Tầng tầng bảo tháp quyện mây trời!)


Tháp cao bằng đồng với giông tố sấm sét và thời gian:


Sách sử đã ghi lại nhiều cảnh mưa lũ, lụt lội, mưa đá giông bảo sấm sét xảy ra thưòng xuyên trên vùng đất nước nầy. Suốt chiều dài lịch sử với thời tiết bảo táp như vậy, không lạ gì một ngôi tháp cao với đỉnh bằng đồng khối bị sét đánh làm gây hư hại nhiều phen. Dù có xuất công quỹ sửa chữa nhưng kinh phí qúa nặng: qua đời Lý, đời Trần không đủ sức để trùng tu. Ngay cả những công trình ít tốn kém hoặc dể hơn, như Chùa Một Cột cũng không khôi phục như nguyên thủy nổi, huống chi ngôi bảo tháp nhiều tốn kém mà sử thần Ngô sĩ Liên phê là làm “nhọc sức dân, phí của dân’’(ĐST q3,tờ 1a). Vã lại ngay từ cuối đời Lý giặc giã tứ tung, nhiều vụ động đất thiên hạ chết qúa nữa, “trời đổ mưa đá, từng tảng đá lớn như dầu ngựa’(VS tr.233), hoả hoạn, cung điện lớp bị cháy lớp bị phá, đổ nát hoang tàng(VS tr 280), nạn đói người chết xác nằm gối lên nhau, nội loạn nổi lên khiến vua Huệ tông phải ta thán trong một chiếu thư mô tả rằng’’ chúng đốt sạch cung thất của ta. Cho đến nổi các khu xóm ở kinh thành hoá thành đóng tro tàn” (năm 1215 VS tr281) khiến cả Vua và Thái hậu phải sai cất một “ngôi nhà tranh để ỏ’’ (VS tr 280).. .bằng ấy cho thấy một công trình vĩ dại như tháp Báo Thiên mà sử thần Lê văn Hưu gọi là “tháp cao ngất trời’’ (SKT q2,tờ 3b) khó mà bảo tồn trọn vẹn lâu dài.


Lược kê những thiên tai, mà lịch sử còn ghi trong giai đọan nầy:



Về động đất xảy ra biết bao nhiêu lần, đó là những năm 1016 hai lần, 1153 (2 lần), 1162,1171, 1178, 1180,1181,1185,1187,1188,1190,1192,1195(2lần),1199,1200,10204,1205,1207,1208,1210,1213,1215,1218,1219,1220. Ngoài ra còn cảnh lụt lội, đá sụp, gió to dữ dội, sấm sét (1207, 1215) đến đổi vua kinh sợ phải sai cận thần Nguyễn Dư đọc ‘chú’ mà cũng không trị được sấm (VS tr.248), dịch tả, nạn đói năm 1181 khiến ‘dân chết đến gần một nửa’(VS tr224) còn năm 1208 thì’ nạn đói lớn, người chết nằm gối lên nhau’(VS t.250). Thêm vào đó những đám hỏa hoạn, khi thì cung điện nầy cháy, hành cung kia bị thiêu, chùa nọ bị làm mồi bà hoả..


Thế nên các công trình xây cất nhà Lý bị hư haị vì thời gian vì thiên tai, nhân tai vừa kể thì khó lòng được khôi phục trùng tu nguyên vẹn. Một phần lớn vì nước nhà bị loạn lạc, công qũy bị hao hụt, không còn đủ sức để bảo trì nói chi là trùng tu cái củ xây đựng cái mới. Thêm vào đó là yếu tố nhân tâm bất thuận hoặc đã thay đổi, các triều đại sau không còn sũng mộ Phật giáo và ưu đãi tăng chúng nữa, chưa kể những công kích những tiêu pha công qũy của đời trước. Sử liệu còn ghi lại một số phê phán phản ánh tâm thức đó qua hai sử thần như Lê văn Hưu và Ngô sĩ Liên.


Lược kê những đoạn phê phán về Triều Lý liên quan đến chùa chiền:


Đây là những lời phê của Lê văn Hưu: (ĐST q2, tờ 3b, 4a): “Lý Thái Tổ lên ngôi mới được 2 năm, tông miếu chưa dựng, đàn xã tắc chưa lập mà trước đã dựng tám chùa ở phủ Thiên Đức, lại trùng tu chùa quán ở các lộ và độ cho làm Tăng hơn nghìn người ở Kinh sư, thế thì tiêu phí của cải sức lực vào việc thổ mộc không biết chừng nào mà kể. Của không phải là trời mưa xuống, sức không phải là thần làm thay, há chẳng phải là vét máu mỡ của dân ư? Vét máu mỡ của dân có thể gọi là làm việc phúc chăng? Bậc vua sáng nghiệp, tự mình cần kiệm, còn lo con cái xa xỉ lười biếng, thế mà thái Tổ để phép lại như thế, chả trách đời sau xây tháp cao ngất trời, dựng cột chùa đá, điện thờ Phật lộng lẫy hơn cung vua. Rồi người dưới bắt chước, có kẻ hủy thân thể, đổi lối mặc, bỏ sản nghiệp, trốn thân thích, dân chúng qúa nửa làm sư sãi, trong nước chỗ nào cũng chùa chiền, nguồn gốc chẳng phải từ đấy?’’


Sử thần Ngô sĩ Liên thì một đàng khen vua ở chổ thuận lòng trời được lòng dân, nhưng chê vì chỗ ham thích đạo Phật’ đạo Lão: “Lý Thái Tổ dấy lên, trời mở điềm lành hiện ra ở vết cây sét đánh..trời thường tìm chủ cho dân, dân theo về người có đức..lòng nhân thương dân, lòng thành cảm trời..Nam Bắc thông hiếu, thiên hạ bình yên..Duy có việc ham thích đạo Phật, đạo Lão là chỗ kém” (ĐST q2,tờ 17b và 18a).


Nơi khác, nhân về việc vua xuống chiếu phát 6 nghìn đồng để đúc chuông chùa Trùng Quang. Chuông đúc xong, không đợi sức người tự di chuyển đến chùa, sử thần Ngô sĩ Liên sao chép đoạn nầy xong bèn phê thêm như sau:


’’Phàm vật hình vuông thì đứng, hình tròn thì đi, chuông có thể đi đuợc là vì hình tròn. Có lẽ là kéo nó đi, không nhọc đến sức người như có thần giúp vậy. Nay ta hãy xem như cây gỗ lớn mười mấy người khiên không nổi, một người đẩy ngang thì nó lăn tròn mà đi. Chuông cũng thế, sư chùa muốn làm cho đạo mình có vẻ thần diệu, mới nói phao lên như thế để đánh lừa mà thôi. Những chuyện như dấu vết người thần,, ánh sáng xá lỵ, cây ưu đàm nở hoa, tượng Phật cổ nổi lên v.v.. đều do bọn các nhà sư ra cả. Ngưòi cầm bút chép sử đương thời không xét lý lẽ, cứ theo thế mà chép vào sử sách.’’(ĐST q2,tờ 24a và b).


Về việc vua Lý Thần Tông được tin quân triều đình thắng trận, vào cung Thái Thánh Cảnh Linh, vào chùa quán trong thành để tạ ơn Phật và Đạo, Lê văn Hưu phê như sau:


“Phàm việc trù tính ở trong màn tướng, quyết định được chiến thắng ở ngoài nghìn dặm, đều là công người tướng giỏi cầm quân làm nên thắng lợi. Thái phó Lý công Bình phá được quân Chân lạp cướp châu Nghệ An, sai người báo tin thắng trận. Thần Tông đáng lẽ phải cáo thắng trận ở Thái Miếu, xét công ở triều đường để thưởng cho bọn Công Bình về công đánh giặc. Nay lại quy công cho Phật và Đạo, đi các chùa quán để lạy tạ, như thế không phải là cách để ủy lạo kẻ có công, cổ lệ chí khí của quân sĩ.’’(ĐST q3, tờ 30b và31 a).


Về việc xuống chiếu tha những người phạm tội trong nước, sủ thần Ngô si Liên có lời phê như sau:


“Nhân Tông thường nhân việc mở hội [Phật] mà tha cho người có tội, là không phải lẽ, nhưng mà còn mưọn tiếng hội Phật. Còn như vua [Thần Tông] thì không có việc gì mà cũng tha bổng. Phàm người có tội phạm pháp, có kẻ nặng người nhẹ..sao lại có thể tha bổng được.. Tha lỗi thì đuợc, tha tội thì không được.’’(ĐST q3, tờ 32a, và b).


Qua những sử liệu ghi các lời phê trên, ta thấy được lòng dân cũng như vua quan sau thời Lý đã quy trách về việc nhà Lý tiêu pha trong việc xây cất chùa chiền, bảo tháp. Vì thế những cơ sở nầy nếu bị hư hại, chắc khó lòng đuợc ủng hộ để trùng tu nguyên vẹn.. từ đó suy ra một bảo tháp có tầm vóc bực nhứt về kiến trúc về công sức, công sản như tháp Báo Thiên nếu bị sét dánh hư hại hoặc bởi thời gian soi mòn thì hết đời Trần qua đời Minh, Báo Thiên chưa chắc là còn sừng sững nguyên hiện như xưa. Việc lấy đồng để đúc binh khí là việc không cần phá tháp cũng có thể lấy đưọc?


Thật vậy, sau đời Trần, nhà Minh xâm phạm quốc thổ, lúc bị nghĩa quân Lam Sơn của Lê Lợi vây hãm ở thành Đông quan năm 1426, quân Minh đã phá tháp (lúc ấy không biết còn nguyên vẹn hay đã bị hư hại cách nào với sấm sét thời gian, không có sách sử nào ghi rõ) lấy số đồng khối để đúc khí giới chống lại nghĩa quân. Như vậy là tháp Báo Thiên đã bị phá hủy thời nầy. Và đời Tiền Lê ‘đắp núi đất phủ lên nền cũ. Chùa bỏ hoang, cuối thế kỷ XVIII làm chợ Báo Thiên, núi làm chỗ xử tử người có tội. Năm 1791, đào lấy những gạch đá nền tháp để tu bổ thành Thăng Long.’’(sách Hà nội nghìn xưa tr.177). Coi như vào thời Tây sơn nơi nầy đã ra hoang tàn. Sau khi nhà Tây Sơn đổ, sử ghi là nhà Nguyễn đã lưu chuyển nhiều vật liệu Thăng Long vào Phú Xuân Huế để xây quốc đô mới đẹp đẻ xứng đáng cho một nước Việt nam thống nhứt, vì thế di tích giá trị của cựu đô Thăng Long đuong nhiên là bị dời đi thời nầy.. và sau đó còn bao nhiêu biến cố khác gây tổn hại tiêu hủy những gì còn sót. Sách đã dẫn trên còn cho biết ở mục chú thích số 1 tr. 177 như sau: Bà chủ nhà số 10 đường Nhà Chung vừa qua (? phải chăng là tháng 10.1974 năm xuất bản sách?) đào đuợc con sấu cá, hẳn có liên quan đến nền tháp Báo Thiên”.


Qua chứng liệu về năm tháng xây dựng, về các biến cố, thiên tai hoặc nhân tạo làm hủy hoại. Thời điểm di tích cơ sở nầy bị tiêu hủy hẳn phải kể là trước hoặc đầu thế kỷ XVIII. Về lịch sử thì coi như Vua Quang Trung Nguyễn Huệ không còn thấy nơi đây một di tích kỳ quan của lịch sử, ngoại trừ là cái gò đất chổ xử tử tội của thời truớc trong những năm loạn lạc Trịnh Nguyễn phân tranh và giặc giã nội ngoại. Do vậy luận chứng theo đó dời thực dân Tây, ngưòi ta phá Tháp Báo Thiên để xây dựng Nhà Thờ Lớn Hà nội qủa là một quyết đoán hàm hồ phi lịch sử, và có thể là một quyết đoán có ác ý (!) để mong tạo một sự đối chống giữa Phật giáo và Kitô giáo chăng, hay tệ hại hơn nữa là gieo rắc thành kiến cho rằng Công giáo dã phá hủy những gì thuộc về văn hoá dân tộc!


Bài nầy muốn thiêt lập một cái nhìn lịch sử chân thật đồng thời tuyên dương một ý hướng quy Thiên tin tuởng Trời của một triều đại mà mọi ngưòi Việtnam đều hãnh diện vì dã cho Việt nam đi vào một đoạn lịch sử dài kiến tạo đất nước ánh ngời nhiều hào quang. Sự thật lịch sử giải thoát chúng ta khỏi những nghi kỵ cáo buộc bất công khiến tình tự dận tộc của toàn khối đồng bào được bảo toàn: một nhu cầu khẩn thiết để cùng nhau xây đựng đất nước cho tiến kịp với các nước khác trên thế giới trong Thiên niên Kỷ sắp tới.

 

                                                                                                                                        LM Hồng Kim Linh

 

 

 

 

ĐẤNG CHUỘC TỘI


“Tên Người là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1, 21)


Tội là căn nguyên mọi nỗi bất hạnh của con người. Tội thách thức Thiên Chúa và khiêu khích sự thịnh nộ của Người. Thiên Chúa tuyệt đối thánh thiện, Người gớm ghiếc tội và thẳng tay khử trừ tội ác khỏi con người (x. Đnl 27, 26; Gr 44, 4; Rm 1, 18). Chính để tẩy trừ tội mà Thiên Chúa sai Con của Người, Chúa Giêsu Kitô đến trần gian, chịu chết trên thập giá (x. Gl 2, 4; Ep 5, 25- 27; 1 Pr 2, 24; 1 Ga 3, 3, 8).


Chỉ Thiên Chúa mới có thể giải thoát chúng ta khỏi tội. Người không chỉ cứu thoát chúng ta khỏi án phạt, khỏi cơn giận dữ và sự công thẳng, khỏi sự lo phiền và khiếp sợ, mà Người còn giải cứu chúng ta thoát khỏi chính tội lỗi (x. Gr 27, 9; 1 Pr 1, 15- 16; 1 Ga 3, 8). Do đó chúng ta phải xác tín rằng Chúa Giêsu xuống trần gian là để chuộc tội chúng ta. Hãy đặt để niềm xác tín này vào tận đáy lòng chúng ta. Càng thâm hiểu chân lí này, chúng ta càng biết cậy trông, tin tưởng và an bình. Không phải mọi người đều hiểu được điều ấy, bởi vì họ chỉ cố loay hoay làm sao tránh phải đền phạt, khỏi phải sợ hãi, ưu phiền (x. St 27, 34; Is 58, 5- 6; Ga 6, 26; Gc 4, 3). Và bởi đó, họ chưa trọn vẹn đón nhận ơn cứu chuộc. Họ cần phải chân nhận rằng được cứu chuộc nghĩa là được cứu thoát khỏi tội. Chúa Giêsu cứu chuộc chúng ta bằng cách nhận lấy tội của chúng ta. Chúng ta cùng suy nghĩ hai điều.


Trước hết, chúng ta hãy đến với Chúa Giêsu bằng tất cả con người tội lụy của mình. Hãy buông mình vào vòng tay của Chúa mà đừng ngã lòng, thất vọng vì các tội còn đeo bám và khống chế chúng ta. Đừng cố chống chọi và tự hoá giải chỉ bằng sức riêng. Hãy đem từng tội một đến với Chúa. Người là Đấng Cứu Chuộc, Người sẽ nhận lấy tất cả tội vạ của chúng ta. Người hủy tội ra không nhờ hi tế thập giá và Người bẻ gẫy mọi quyền lực thống trị của tội. Công trình cứu chuộc của Người, Người mong muốn thực hiện là giải thoát chúng ta khỏi tội. Hãy luôn học đến với Chúa và xưng thú mọi tội với Người. Người ta nhắc đến một giai thoại về thánh Giêrônimô: vị thánh uyên thâm Kinh Thánh này có lần kể lể dâng cho Chúa tất cả những thứ mình có. Nhưng cuối cùng Chúa nhắc cho ngài biết còn một thứ mà ngài chưa dâng cho Chúa, đó là tội lỗi. Tội là kẻ thù hiểm độc của chúng ta, nếu chúng ta tóm bắt và mang lại cho Chúa, Người sẽ tiêu diệt nó.


Điều thứ hai, phải luôn vững tin và sống niềm xác tín này: Chúa Giêsu là Đấng Chuộc Tội. Không phải chúng ta chiến thắng tội nhờ sự trợ giúp của Chúa, mà chính Chúa Giêsu trong chúng ta toàn thắng tội lỗi. Vậy nếu nhờ thế mà ta được thoát ách tội lỗi thì chúng ta phải luôn sống kết hợp với Người. Không phải cứ đợi cho đến lúc ta bị cám dỗ mới xin Người trợ giúp. Mà trái lại, đời sống của chúng ta phải luôn tháp nhập vào sự sống của Chúa. Sống thân mật với Chúa phải là điều ước muốn duy nhất của chúng ta. Chúa giải thoát chúng ta khỏi tội, và có Chúa chúng ta mới được ơn cứu chuộc. Đón nhận ơn hoà giải không phải là chuyện “năm thì mười hoạ” cho con người hay sa ngã phạm tội, nhưng đó là ơn phúc mãi mãi được ban cho nhân loại trong con người Chúa Giêsu. Khi Chúa hoàn toàn chiếm hữu ta, tội không thể nào cầm buộc chúng ta được. “Phàm ai ở lại trong Người thì không phạm tội” (1 Ga 3, 6).


Vâng, tội được quét sạch và được cách li khỏi chúng ta nhờ Chúa sống trong chúng ta. Chính nhờ thập giá Chúa Giêsu và nhờ Người ở lại trong chúng ta mà chúng ta nhận được ơn chuộc tội.


Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu yêu mến, xin chiếu tỏa ánh sáng của Ngài trên con. Hãy để cho ánh sáng ấy xuyên thấu tâm hồn con để con có thể nhận ra Chúa là Đấng Cứu Chuộc duy nhất. Có Chúa ở trong con và cùng với Chúa con có thể tránh xa tội lỗi. Xin dạy con biết đem mọi tội đến cho Chúa. Và làm sao để mỗi tội con đã trót phạm giúp con biết kết hợp với Chúa mật thiết hơn! Nguyện cho danh Chúa thật sự trở thành tên gọi Đấng Chuộc Tội.- Amen.

Lm. Giuse Ngô Quang Trung

Mục lục

 

 

 

BÀI GIẢNG TĨNH TÂM LINH MỤC GIÁO PHẬN NHA TRANG 14-18/01/2008

 

MỞ ÐẦU
LINH MỤC, CHỨNG TỪ SỐNG ÐỘNG CỦA NGƯỜI RAO TRUYỀN

 

Trọng kính hai Ðức cha, hai Ðức ông và toàn thể quý cha.


Lúc sinh thời, cha cựu hạt trưởng Phan Rang Giuse Ðinh Tường Huấn thường nói khôi hài rằng ba việc khó khăn nhất đời linh mục là "giảng cho cụ, giải tội cho mụ, bắt ve cho chó". Bình thường giảng cho các cha mà đã khó như thế, huống chi lại giảng cho các bậc thầy, cho đàn anh, bạn bè đàn em linh mục của một địa phận có chủng viện, có lức lượng và bề sâu tri thức như Nha trang của chúng ta.


Tuy nhiên, khi nhận được lệnh của Ðức cha phó, tôi vượt qua ý nghĩ lúng túng đó một cách dễ dàng. Tôi đã nghĩ rằng dù có đi đâu, Nha Trang vẫn là một người mẹ đã sinh ra tôi làm linh mục và giám mục. Có cơ hội và có lý do để trở lại thăm giáo phận đối với tôi là một diễm phúc, là một cuộc hành hương về với cội nguồn, nơi tôi đã ăn những hạt cơm đầu tiên trong nhà Ðức Chúa Trời tại Sao Biển. Tôi là người con trở về thăm bố mẹ gia đình, thăm lại người xưa chốn cũ nhiều hơn là về giảng tĩnh tâm. Trong tâm tình ấy, tôi xin kính chào và bày tỏ lòng biết ơn đối với quý Ðức cha, quý Ðức Ông và quí cha đã tạo điều kiện để tôi có thể thực hiện chuyến đi này.


Bây giờ, tôi xin phép được chia sẻ một vài lưu ý có tính cách thông lệ về cuộc tĩnh tâm và trình bày một vài nét khái lược về những đề tài tôi sẽ chia sẻ.

 

TRƯỚC NGƯỠNG CỬA CUỘC TĨNH TÂM


Các cha đều biết, sau khi làm linh mục, tôi làm phó Phước Thiện chỉ có hai năm rưỡi rồi Ðức cha chính sai đi học nên thú thật tôi chưa hề có kinh nghiệm giảng tĩnh tâm. Ra Thanh Hoá các cha thường chọc là chưa làm cha sở mà dám nhận làm giám mục. Như vậy là mãi đến khi làm giám mục, tôi mới bắt đầu tập giảng. Tuy nhiên trong cái vốn liếng ít oi non trẻ đó, tôi đã nhận ra điều này : với tư cách người giảng tĩnh tâm, tôi không phải là nhân vật chính, chỉ là khí cụ Chúa dùng. Khí cụ hay hoặc dở, điều đó không quan trọng. Ðiều quan trọng là tác động của Chúa Thánh Thần - Ðấng sử dụng khí cụ - và thái độ đón nhận của người tĩnh tâm. Người giảng tĩnh tâm chỉ là "ngón tay chỉ mặt trăng", giữ vai trò thứ yếu là cố vấn cho người tĩnh tâm khám phá chân lý của vầng trăng là chính Thiên Chúa.


Qua kinh nghiệm bản thân và kinh nghiệm thu tập được ở một số nơi, tôi nhận thấy rằng khi tham dự tĩnh tâm, chúng ta thường có thói quen "khoán trắng" mọi sự cho người giảng tĩnh tâm và cho người hướng dẫn chương trình hoặc cho ban tổ chức. Chúng ta có cảm tưởng sốt sắng khi nghe bài giảng bùi tai, vui nhộn và tổ chức chu đáo. Phản ứng của chúng ta có thể nói là một phản ứng thụ động, hoàn toàn lệ thuộc ngoại nhân. Ðây có vẻ như như là căn bệnh của linh mục thời đại mới. Dường như chúng ta gặp nhiều khó khăn khi phải thinh lặng một mình trước Thánh Thể, khi phải tiếp xúc riêng với Chúa Giêsu.
Cuộc tĩnh tâm đúng nghĩa đòi chúng ta phải có thái độ tích cực hơn. Chúng ta phải là người "tầm sư học đạo", nghĩa là tự ý và chủ động đi tìm kiếm "Ðấng có lời ban sự sống", đích thân tiếp xúc với Ngài. Thật ra, Chúa không đòi chúng ta phải làm tất cả. Ngài chỉ đòi chúng ta tỏ thiện chí muốn gặp Ngài. Gặp được Ngài rồi, Ngài sẽ làm tất cả mọi sự còn lại. Dưới tác động của Thánh Thần, chính Chúa Giêsu mới là nhân vật chính trong cuộc tĩnh tâm. Ðiều mà chúng ta vẫn thường nghe đi nghe lại đó là khẳng định của Chúa Giêsu trong Ga 15, 5 : "Không thầy chúng con chẳng làm được gì". Hay như lời ví von của Thánh Vịnh 127 mà chúng ta thường đọc : "Nếu như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả chỉ là uổng công".


Khi tĩnh tâm, có khi chúng ta lại rơi vào một căn bệnh ngược lại, đó là chúng ta quá chủ động, hay nói cho cụ thể, chúng ta quá tin vào kiến thức lý thuyết của mình. Trong thư gửi người chị Céline, thánh Têrêxa Hài Ðồng Giêsu viết : "Tất cả mọi thứ diễn văn dù hay ho hùng hồn tới đâu cũng không thể làm phát sinh Tình yêu Chúa trong một tâm hồn nếu không có ơn Chúa kích thích bên trong". Martin Heidegger, triết gia nổi tiếng nhất của thế kỷ 20, khi định nghĩa triết học, đã cho rằng người ta thường lẫn lộn triết học với triết lý. Triết học thuộc lãnh vực kiến thức; triết lý thuộc lãnh vực cuộc sống. Có những người có kiến thức triết học nhưng không phải là triết nhân, không sống triết lý. Tương tự như thế, chúng ta thường lẫn lộn kiến thức tu đức với lòng đạo đức. Khi suy niệm, chúng ta sử dụng kỹ thuật và kiến thức nguyện ngắm nhiều hơn là trao đổi thân mật với Chúa. Làm như thế chúng ta chỉ là người lý luận độc thoại về Chúa chứ không trực tiếp gặp gỡ Người. Nói theo ngôn từ ngữ học, Chúa vẫn chỉ là đại danh từ ngôi thứ ba chứ không phải là "ngôi thứ hai" trực tiếp đối thọai với chúng ta.


Tắt một lời, ngược lại với thái độ thụ động, khi chúng ta quá chủ động trong cuộc tĩnh tâm, chúng ta vô tình loại trừ Chúa ra khỏi cuộc tĩnh tâm, làm cho cuộc tĩnh tâm trở thành trống rỗng độc thoại.


Cũng có khi chúng ta quá đặt nặng những điều kiện bên ngoài : ăn phải ngon, ngủ phải đã giấc, phòng ốc phải tiện nghi... Những thứ đó góp phần không nhỏ vào sự thành công của cuộc tĩnh tâm, nhưng đúng ra chỉ được giữ vai trò hổ trợ chứ không quyết định. Tĩnh tâm là "vào sa mạc với Chúa" nên người tĩnh tâm cần phải có tinh thần khổ chế, hy sinh, biết tiết giảm những nhu cầu bình thường của thế xác vốn "nặng nề", ngõ hầu tạo điều kiện thuận lợi cho tinh thần được "hăng hái nhiệt thành".


Một trong những tiến bộ kỳ diệu nhất của khoa học thời đại chúng ta là tin học. Chỉ trong tích tắc, chúng ta có thể bắt liên lạc với người thân ở xa hàng nửa vòng trái đất. Nhưng những kỳ diệu đó đôi khi cũng là một con dao hai lưỡi. Nếu điện thoại giúp chúng ta thông tin dễ dàng, nó cũng quấy nhiễu chúng ta trong những sinh hoạt cần thinh lặng như cuộc tĩnh tâm. Chúng ta có thể duyệt lại một vài yếu tố đại loại như thế để tự đề ra cho mình những biện pháp giúp chúng ta cách ly khỏi cuộc sống đời thường, khả dĩ bảo đảm sự an tĩnh của tâm hồn trong những ngày đặc biệt này.

 

CHỦ ÐỀ CUỘC TĨNH TÂM


Sau một vài lưu ý có tính cách "vệ sinh môi trường" cho cuộc tĩnh tâm, có lẽ điều mà các cha đang thắc mắc là chủ đề cuộc tĩnh tâm. Khi giao nhiệm vụ giảng cho tôi, Ðức Cha phó cho biết là đề tài tùy chọn. Nhưng bình thường các đấng thường lấy gợi ý từ các Thư chung của HÐGMVN để tỏ tình hiệp thông một cách cụ thể. Trong tinh thần đó tôi cũng muốn chia sẻ một vài ý tưởng rút ra từ lá thư chung năm nay bàn về vấn đề giáo dục Kitô giáo.


Một xã hội tiên tiến là một xã hội biết quan tâm đến giáo dục. Có năm nước Anh đã đầu tư đến 40% ngân sách quốc gia cho việc giáo dục. Bộ trưởng giáo dục Anh đi xe đạp... Ðiều đó hoàn toàn hợp tình hợp lý. Chủ nhân ông của tương lai là giới trẻ. Không giáo dục họ cho đúng mức, xã hội làm suy yếu sức mạnh của đất nước và dân tộc. Ðó cũng là điều mà HÐGMVN thể hiện ngay trong tựa đề của bức thư chung, "giáo dục hôm nay, xã hội và Giáo Hội ngày mai".


Khuôn khổ tuần tĩnh tâm không cho phép chúng ta đề cập đến tất cả mọi góc độ của một chủ đề rộng lớn và phức tạp như giáo dục. Vì thế tôi chỉ xin giới hạn nội dung chia sẻ của tôi vào một số khía cạnh như sau:


Hơn ai hết, với tư cách là linh mục, theo ngôn từ của Thư chung số 15, chúng ta phải là những "chứng từ sống động của người rao truyền" Tin Mừng. Cũng theo khẳng định của số 15 này, "mỗi chúng ta vừa là đích điểm vừa là khởi điểm của việc huấn luyện. Chúng ta càng tự rèn luyện mình, càng có khả năng huấn luyện người khác". Như vậy việc giáo dục luôn đi đôi với việc huấn luyện bản thân. Học phải đi trước dạy (Lc 22, 31-33). Chúng ta thường mang não trạng "thầy cả", có nghĩa là biết mọi sự, dạy dỗ mọi người mà quên đi rằng bài chúng ta dạy phải hiệu quả đối với con người chúng ta trước.
Số 21 cũng triển khai ý tưởng này như sau : "bao lâu còn là phần tử của Giáo hội lữ hành, chúng ta còn là học trò và còn là thầy dậy đức tin bằng chứng từ cuộc sống của chúng ta".
Khi nói về sống đạo Thư mục vụ 2006 ở số 4 của HÐGMVN nhấn mạnh rằng linh mục phải đi đầu trong mặt trận sống đạo. Cũng thế trong lãnh vực giáo dục đức tin, linh mục của chúng ta cũng phải là chứng từ sống động của một người đã thành công trong lãnh vực giáo dục bản thân.


Ðã nói đến chứng từ là phải nói đến một cái gì rất cụ thể, sống động. Số 32 của Thư chung triển khai ý tưởng này như sau : "mục tiêu hàng đầu của giáo dục Kitô giáo là đức tin. Giáo dục đức tin không những là truyền lại cho tín hữu những định tín, nhưng còn giúp cho tín hữu sống đức tin ấy trong cuộc sống cụ thể, vì "đức tin không có việc làm là đức tin chết (Ga 2, 17)".


Thư chung ở số 34 cho rằng : "con người sống trong xã hội không phải là một ốc đảo nhưng liên đới với nhau trong niềm vui cũng như nỗi sầu". Sứ mệnh giáo dục đức tin của linh mục chúng ta chỉ thành công nếu chúng ta có quan hệ tốt với Chúa và với mọi người. Vì thế trong cụ thể, qua tuần tĩnh tâm này, chúng ta sẽ tuần tự duyệt lại những mối quan hệ chính tạo thành cuộc sống linh mục. Trước hết là mối tương quan của chúng ta đối với bản thân chúng ta, điều mà chúng ta cần phải rà xét lại trước ngưỡng cửa của bất kỳ cuộc tĩnh tâm nào. Mối quan hệ thứ hai có tính căn bản hơn, đó là quan hệ của chúng ta đối với Chúa Giêsu, "suối nguồn Tình yêu" (số 2), "điểm quy chiếu và là chuẩn mực giúp nhận định các giá trị căn bản của Tin Mừng" (Thư chung 2006 số 4). Từ đó chúng ta có thêm ánh sáng để nhìn lại các mối tương quan khác đối với bề trên Giáo Hội, với anh em linh mục và với giáo dân.


Mỗi mối tương quan sẽ là một đề tài để chúng ta suy niệm trong tuần tĩnh tâm này. Như vậy, trừ bài mở đầu và bài kết thúc, chúng ta có tất cả năm bài. Dĩ nhiên, còn rất nhiều mối tương khác không kém phần quan trọng, chẳng hạn tương quan với nữ giới, giới trẻ, với chính quyền, với các tôn giáo bạn...nhưng khuôn khổ thời gian không cho phép chúng ta bao quát tất cả.


Chúa Giêsu đã thưa với Chúa Cha : "vì họ, con xin thánh hiến chính mình con" (Ga 17, 9). Ðó cũng là đề tài rất phù hợp với tinh thần thư chung về giáo dục Kitô giáo năm nay. Vì các môn đệ, Chúa Giêsu đã tôi luyện hun đúc bản thân mình để trở thành lợi ích cho các môn đệ. Tôi nghĩ rằng đó cũng là ơn mà chúng ta rất cần trong đời sống linh mục của chúng ta và cách riêng trong tuần tĩnh tâm này. Vì con chiên, chúng ta cũng xin Chúa giúp chúng ta biết mài dũa huấn luyện chính bản thân mình. Với những lưu ý có tính cách cương lĩnh đó, tôi kính chúc các cha một tuần tĩnh tâm đầy dấu ấn thiêng liêng.

 

ĐGM. Giuse Nguyễn Chí Linh

Mục lục

 

 

TỪ CẦU THỦ TÚC CẦU ĐẾN LINH MỤC

 

Victor Claudio Vallerini có đủ mọi tài năng cùng cơ may để trở thành cầu thủ sáng chói của đội banh thành phố, và sau đó, được chọn vào đội tuyển quốc gia. Nhưng Victor không đi theo con đường công danh sự nghiệp tầm thường đó. Một ngày, chàng quyết định từ bỏ tất cả và ghi tên gia nhập đại chủng viện.. Đây không phải là quyết định bốc-đồng, nông-nổi của tuổi trẻ nhưng chín mùi sau bao ngày tháng suy nghĩ và cầu nguyện.


Victor Claudio Vallerini chào đời năm 1974 tại Mato Grosso, nước Ba-Tây. Thân mẫu người Ba-Tây và thân phụ người Ý. Sau đó, gia đình chuyển về sống tại Camaiore, tỉnh Lucca (Trung Bắc Ý).


Victor may mắn lớn lên trong bầu khí đầm ấm đạo đức của gia đình. Hơn thế nữa, tuổi thơ Victor trôi qua trong niềm vui với các bạn đồng lứa tuổi, dưới sự chăm sóc hướng dẫn tinh thần của Cha Sở Giampiero Costagli. Nơi giáo xứ, Cha Giampiero mở trung tâm ”Colosseo” dành riêng cho giới trẻ. Cha là linh hồn mọi sinh hoạt của giới trẻ. Cha yêu thương và gần gũi giới trẻ. Có lẽ từ những sinh hoạt này đã nẩy sinh nơi tâm hồn thơ trẻ của Victor niềm ước vọng tận hiến cuộc đời thanh xuân cho THIÊN CHÚA để phục vụ các linh hồn. Sau đây là chứng từ của Victor Claudio Vallerini.

Tôi cảm thấy không mất mát gì hết. Trái lại tôi nhận gấp trăm lần những gì tôi từ bỏ. Mặc dầu gặp khó khăn nhưng sau cùng tôi nếm hưởng an bình thanh thản. Người nào khám phá ra chương trình THIÊN CHÚA và cố gắng thực hiện thánh ý Ngài thì tìm thấy niềm vui lớn lao.

Quyết định theo đuổi ơn gọi Linh Mục của tôi không có gì khác thường. Nó là kết quả tự nhiên của tình yêu tuyệt đối dành cho THIÊN CHÚA. Sỡ dĩ nó gây tiếng vang và lôi kéo chú ý, là vì, đối với nhiều người, tôi dám từ bỏ tương lai hứa hẹn thành công và giàu có. Thế thôi.

Ơn gọi của tôi từ từ lớn lên cách bình thản và trong lành. Ngay từ thơ bé, tận thâm tâm, tôi mơ ước trở nên người nhiệt thành biết điều động và nhất là, trở thành tín hữu Công Giáo sống đạo đàng hoàng. Phải thành thật thú nhận là có nhiều người lớn ảnh hưởng sâu đậm trong cuộc đời tôi. Đứng đầu là Cha Sở Giampiero Costagli. Tiếp đến là Andrea - bạn lớn tuổi - giờ đây là Linh Mục. Sau đó là hai thanh nữ Claudia và Maria. Cả hai cũng dâng hiến cuộc đời trong nếp sống tu trì.

Người ta nói nhiều về chương trình yêu thương của THIÊN CHÚA đối với từng thọ tạo. Riêng tôi được hồng phúc cảm nghiệm sâu xa rằng THIÊN CHÚA là Cha và là Đấng ”si-tình” con người. Chính Ngài chọn lựa và đưa dẫn con người đi trên vạn nẻo đường xem ra không thể nào hiểu và giải thích được.

Tiếng đồn chung quanh ơn gọi Linh Mục của tôi khiến giới trẻ suy tư. Tôi trở thành chứng tá quý báu cho bạn trẻ nào không tìm thấy hướng đi lý tưởng hoặc đánh mất ý nghĩa đích thực cuộc đời. Nhiều người trẻ gặp khủng hoảng viết thư hoặc điện thoại để tâm sự, hỏi ý kiến và xin tôi hướng dẫn cùng giúp đỡ.

... ”THIÊN CHÚA là Chúa Thượng đã cho tôi nói năng như một người môn đệ, để tôi biết lựa lời nâng đỡ ai rã rời kiệt sức. Sáng sáng Người đánh thức, Người đánh thức để tôi lắng tai nghe như một người môn đệ. THIÊN CHÚA là Chúa Thượng đã mở tai tôi. Phần tôi, tôi không cưỡng lại, cũng không tháo lui. Có THIÊN CHÚA là Chúa Thượng phù trợ tôi, vì thế tôi không hổ thẹn, vì thế tôi trơ mặt ra như đá. Tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng. Ai trong các ngươi kính sợ THIÊN CHÚA, nghe theo tiếng tôi tớ của Người, ai đang đi trong bóng tối, không một tia sáng nào chiếu rọi, hãy tin tưởng vào danh THIÊN CHÚA và tìm nương tựa nơi THIÊN CHÚA mình thờ” (Isaia 50,4-10).

(”Famiglia Cristiana”, n.51, Dicembre/1996, trang 70-71)(Radio Vatican)

Sr.Jean Berchmans Minh Nguyệt

Mục lục

 

 

 

 

TÌNH YÊU – HÔN NHÂN – GIA ĐÌNH

Tế nhị - Điều quan trọng trong cuộc sống

 

Trong cuộc sống, biết ứng xử một cách tế nhị là biểu hiện của sự thông minh, biết tôn trọng người khác, biết tạo sự hài hòa, làm giảm khoảng cách về điều kiện kinh tế, địa vị xã hội ở cộng đồng. Trong quan hệ vợ chồng, sự tế nhị còn quan trọng vần cần thiết gấp nhiều lần.Không nên thấy mình làm ra nhiều tiền mà không coi trọng chồng.

 

Vô tư

 

Trên thực tế, "chồng hơn vợ một cái đầu", có vẻ như là một công thức thuận chiều. Nếu ngược lại mà người vợ thiếu tế nhị là dễ sinh lắm chuyện... Chị Huyền Trang ở Q.Tân Bình, TP.HCM, có chồng là sĩ quan quân đội sắp về hưu. Chị công tác ở một ngành mà yêu cầu công việc khiến chị thường xuyên phải đi nước ngoài. Mỗi lần bạn bè đến chơi say sưa kể danh lam thắng cảnh nơi này nơi kia, mà quên để ý đến ông chồng ngồi như thừa bên cạnh.

 

Một người bạn của chị (lại cũng thiếu tế nhị) quay qua chồng chị Trang hỏi: "Chị sướng thật, đi bao nhiêu là nơi. Thế anh đã đi những nước nào rồi?". Anh chồng chị Trang trả lời với cái giọng hài hước, vừa không giấu được vẻ chua chát: "Có, có chứ! Tôi cũng đi nước ngoài. Nhưng những chuyến đi của tôi chỉ có bom đạn, rừng bạt ngàn và những ngày ăn măng trừ bữa...". Chị Trang vô tư chêm thêm một câu: "Ông ấy có đi Lào, từ hồi chiến tranh ấy mà!..."

 

Chị Thuận Anh, giáo viên một trường cao đẳng, nhà ở Q.10 TP.HCM mê khiêu vũ và cũng có năng khiếu. Chỉ mới cách đây ba năm, chị là thành viên câu lạc bộ khiêu vũ của trường, nay đã trở thành một vũ sư kiếm tiền tay trái ngon lành từ nghề dạy nhảy. Chồng chị - một hoạ sĩ chưa tên tuổi nhưng tranh của anh cũng được bày bán nhan nhan trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, mang lại thu nhập hàng tháng cũng khá từ tiến bán tranh. Gia đình họ đã có những năm tháng hạnh phúc, con cái trưởng thành ngoan ngoãn.

 

Vợ chồng mỗi người một sở trường, một tính cách cũng là chuyện thường, có khi lại là sự bù trừ của tạo hóa, nếu như biết ứng xử tế nhị. Đằng này, trước mắt anh với bạn bè, chị cứ cao hứng giảng giải về cái hay, cái tuyệt vời, cái tác dụng kỳ diệu của khiêu vũ (đằng rằng vậy) mà ai không biết thường thức thì thật uổng!

 

Sau một hồi thuyết giải, chị kết luận: "Nhiều lần tôi mời ông chồng tôi đi, nhưng ông cứ nói, không thích. Kỳ thật! Cứ ru rú trong hai căn phòng bề bộn sơn, màu, khung, giấy trông phát khiếp".

 

Gần đây, nghe nói anh chị đã ly thân...

 

Chỉ có tình thương ở lại

 

 

Tôi có quen một đôi vợ chồng, chị là lãnh đạo của một ngành ở trung ương còn anh chỉ là trưởng phòng cấp sở. Anh yêu chị khi chị còn là cô dân quân vừa dũng cảm vừa duyên dáng, anh là lính lái xe ra vào tuyến lửa Trường Sơn, trú quân ở xã chị.

 

Bảy năm sau, khi đất nước thống nhất, anh trở về xin cưới chị. Lúc đó chị đã là cán bộ lãnh đạo của tỉnh, là đại biểu quốc hội. Có một con, chị được điều động ra Hà Nội công tác. Với tư chất thông minh, năng động, gặp "thiên thời, địa lợi, nhân hoà", chị tiến nhanh trên con đường sự nghiệp.

 

Có lần, tôi và anh chị cùng dự đám cưới con một vị lãnh đạo cấp cao. Khách mời hôm đó có nhiều nhân vật VIP mà chị thân quen như thượng tướng A, tư lệnh B, bộ trưởng C, tổng giám đốc E, tổng biên tập S... Còn anh lại không hề quen biết họ. Chị dắt tay anh đến chào từng người bạn, thân mật chủ động nói : "Xin giới thiệu với anh, đây là ông xã tôi - lính lái xe Trường Sơn của tiểu đội xe không kính đấy ạ! " (tên một bài thơ nổi tiếng của Phạm Tiến Duật).

 

Tôi thầm thán phục cách ứng xử thông mình và tế nhị của chị. Bởi lẽ nếu chị đi bắt tay hết người này người khác để anh ngồi đấy một mình thì anh cũng "quê", hoặc giới thiệu anh với chức vụ và nơi làm việc hiện tại cũng dở. Giới thiệu anh là lính lái xa Trường Sơn thì ai mà không quý, bởi đó là những nhân vật đã đi vào huyền thoại! Trông nét mặt rạng ngời hạnh phúc và hãnh diện của anh khi đi bên chị, tôi không thấy có dấu hiệu nào của sự mặc cảm.

 

Hiện anh chị đều đã về hưu, sống hạnh phúc bên con cháu. Trong phòng khách nhà anh chị, ở vị trí trang trọng có bức thư pháp hai câu thơ của Tôn Nữ Hỷ Khương : "Lợi danh như bóng mây chìm nổi - Chỉ có tình thương ở lại đời".

 

Bà Nguyễn thị Nghi, ở P.Yên Hoà, Q. Cầu Giấy, Hà Nội tâm sự:"Đàn ông mà không bằng vợ điều này điều khác là dễ mặc cảm lắm! Trong cuộc sống phải biết tránh cái nỗi đau đó cho các ông. Khi tôi được cấp một căn hộ chung cư thì ông ấy còn công tác ở Quân Khu 3. Về nghỉ hưu thỉnh thoảng ông ấy vẫn nói với bạn bè: "Tớ ở nhờ nhà vợ, cái nhà này trong quyết định phân phối là tên bà Nghị chứ có tên tớ đâu!"(dù ai chẳng biết thời bao cấp, hai vợ chồng mà người này được cấp nhà rồi thì người kia thôi!)

 

Tuy chỉ là nửa đùa nửa thật những tôi nhận ra sự chua chát mặc cảm của ông ấy. Đến khi hoá giá nhà, làm sổ đỏ, tôi chủ động đề nghị cơ quan chức năng ghi tên ông ấy trước tên tôi. Từ đó đến nay, không còn nghe ông ấy nói nhà của ai nữa".

 

Khi yêu nhau thì hai người cấp bậc như nhau. Sau khi cưới, ông theo con đường Nghệ Thuật, tôi đi học trung cấp rồi đại học quân y, tốt nghiệp dược sĩ cao cấp rồi về một đơn vị khác. Quân hàm của tôi theo nhiệm vụ tôi đảm nhiệm, còn ông ở văn công nên theo chế độ văn công chuyên nghiệp. Trước khi về hưu, tôi mang hàm trung tá, ống ấy thiếu tá. Biết ý chồng nên trong các dịp lễ lạt, họp mặt truyền thống, nếu đi bên ông tôi không bao giờ đeo quân hàm. Trong nhà, chỉ có treo duy nhất bức ảnh hai người lúc trẻ mặc quân phục lính trơn, không có quân hàm".

 

Bà Nghị nói thêm: "Có người nói: Phải giả bộ nhường chồng" nhưng tôi quan niệm không phải giả bộ mà phải thật lòng. Chỉ sự thật lòng mới có sức cảm hoá, mới thu phục được lòng người. Chồng hay vợ là bạn đời, nếu biết tránh những điều đem đến sự không vui cho nhau thì dù nhỏ cũng làm. Bạn đời vui thì mình cũng đựơc hưởng lây, có thiệt thòi gì đâu.

Theo Tapchilamdep.com

Mục lục

 

 

ĐÔI NHÍM MÙA ĐÔNG

 

 

 “Đàn ông và đàn bà như hai con nhím sưởi ấm cho nhau khi đông về, quá gần sẽ làm nhau đau, quá xa lại lạnh lẽo ”.

(Thúc Bảo Hoa)

 

Kinh nghiệm bình dân của Việt Nam chúng ta cũng cho biết: “Yêu nhau lắm cắn nhau đau”.

 

Một ngạn ngữ La tinh cũng quả quyết: “Virtus stat in medio”, nhân đức ở mức trung.

 

Những mùa đông khắc nghiệt, khí lạnh như cắt da, hai con nhím cần được sưởi ấm. Nhưng nhím không đủ khả năng để đốt lửa, không đủ tài để tạo chăn mền, máy sưởi … Chỉ còn một cách, là sưởi ấm cho nhau. Muốn hơi ấm của mình, truyền tới da con bạn, chúng phải sát gần nhau. Tuy nhiên, sát quá, lông của chúng sẽ cọ vào nhau. Lông nhím lại cứng như đinh sắt, nên sẽ chọc thủng da của nhau. Hậu quả, tuy được sưởi ấm, nhưng lại gây đau cho nhau.

 

Muốn tránh điều đó, hai con nhím phải dừng lại ở một khoảng cách, với khoảng cách này, hơi ấm có phần nào mất đi, nhưng có thể tránh được hậu họa, làm nhau đau.

 

Yêu nhau, muốn gần gủi nhau, sưởi ấm cho nhau, nhưng không nên quá sát nhau. Vợ chồng yêu nhau, trong nhiều hoàn cảnh, cũng phải tạm thời có chỗ dừng. Nhưng cử chỉ ân ái giữa nhau, là điều tốt, nhưng chẳng nên làm điều đó quá lộ liễu trước mặt cha mẹ, người trong nhà, hay bạn bè. Nhiều anh chị, trước mặt bá quan văn võ, vẫn tự nhiên biểu diễn cử chỉ yêu đương, mà chỉ nên có, khi ở một mình với nhau. Làm như thế, là nhím đã quá gần nhau.

 

Cả hai đã từng nên một với nhau, nhưng vẫn là hai, vẫn khác nhau từ tâm hồn đến thể xác, nên cũng vẫn cần một khoảng cách riêng tư, mà cả đôi bên cần phải tôn trọng, cũng như duy trì cho mình.

 

Muốn hấp dẫn nhau, không phải cứ sát gần nhau, mà mỗi bên cần phải có một không gian của riêng mình. Nhờ thế, mới tạo nên sức hút lẫn nhau. Xỗ sàng quá, buông tuồng không giới hạn, thì sớm muộn gì cũng chán nhau. Một không gian riêng tư rất cần thiết, để tạo nên hấp lực cuốn hút nhau. Nó là một cái gì kỳ bí, thu hút sự dam mê của phía đối tác.

 

Đàn ông không thích vợ mình, mà lại thích vợ của ông hàng xóm. Trong nhiều lý do, nhất định có một lý do khá rõ, đó là giữa bà hàng xóm và ông láng giềng có một khoảng cách, khoảng cách đó thu hút ông muốn khám phá. Còn bà vợ, ông chẳng thấy khoảng cách nào, chẳng còn gì khác lạ và đương nhiên chẳng còn chi hấp dẫn.

 

Cái gì cũng nên duy trì ở mức trung. Nếu quá, thì phải chấp nhận: “Vật cùng tắc biến, vật cự c tắc phản”. Cơm tốt thật, nhưng ăn tới mức bội thực, thì không còn tốt nữa.

 

Bởi đó, anh chị nên tạo cho riêng mình một “Khu bảo tồn”, để lưu giữ những đặc hữu của phái tính mình. Nhờ thế, cả hai luôn cảm thấy nơi mình những ưu điểm còn mới mẻ, còn lôi cuốn, để người kia không còn bị cám dỗ bởi những vùng trời mới nữa.

 

Điểm mới này, anh chị cần phải tìm cách tạo ra. Một bộ quần áo mới, một mái tóc vén khéo hơn mọi ngày. Một khuôn mặt được trang điểm khéo léo. Một bữa ăn với cảnh trí, cách trình bầy và những món ăn đặc biệt. Một căn phòng trang trí phảng phất nét lãng mạn. Một mùi nước bông đặc hiệu. Một cử chỉ săn đón, gợi cảm. Một nụ cười e ấp, mời gọi. Một giọng nói ngọt ngào, nồng ấm. Một đàn con mụ mẫm, dễ thương … tất cả đều là những điểm mới, cả hai anh chị tự tạo ra, để người này có thể thấy ở người kia những nét lôi cuốn luôn luôn mới mẻ. Sức hút từ nó tỏa ra, sẽ kết nối tình anh chị bền chặt hơn, thân thiết hơn, yêu thương hơn.

 

 

 Lm. Hồng Nguyên

Mục lục

 

 

 

ĐỌC SÁCH

 

 

DẤU CHÂN CỦA THẦY

 

 

 (Lc 1C 5, 1-10)

 

Thầy kính mến,

 

Luca kể chuyện Thầy cho Phêrô trúng một mẻ cá kỳ diệu. Nội dung như sau:

Thầy đứng bên bờ hồ.

 

Dân chúng chen lấn nhau để nghe Thầy giảng.

 

Thầy mượn xuồng của ông Ximon để ngồi giảng.

 

Giảng xong, Thầy bảo Ximon đi thả lưới.

Ximon nể Thầy mà đi. Trúng một mẻ cá đầy ắp hai thuyền.

 

Ximon và các con nhà Giêbêđê bỏ mọi sự để theo Thầy.

 

Tình tiết của chuyện thì rất phong phú. Bối cảnh thì rất bao la. Thế mà Luca lại kể vắn tắt đến độ buồn cười. Mọi tình tiết được vo tròn như một viên thuốc tể. Viên nào cũng tròn tròn, nho nhỏ và lởn nhởn như cứt dê. Đáng tiếc vô cùng!

Biết làm gì bây giờ? Con đành nhắm mắt lại, mà thả hồn về Galilê, để tìm lại bóng dáng của Thầy!

 

Thầy đứng bên bờ hồ, cao to và uy nghi,  nghiêm nghị mà vẫn hiền từ, ánh mắt xuyên không gian đi vào vô biên. Bỗng giật mình. Quần chúng ùn ùn kéo tới. Xô lấn, giành giật để tới gần Thầy. Thầy đã là một siêu sao. Đụng tới siêu sao là một vinh dự để đời. Vuốt vai, hôn tay, rờ bàn chân, kéo tà áo, thậm chí còn hôn vội một cái lên má, lên lưng … của Thầy. Quần chúng thì như thế đó! Thích lắm, sướng lắm. Còn Thầy thì dường như vô cảm. Không thích nhưng không chống đối. Thầy muốn giảng chứ không muốn được ái mộ. Quần chúng thì thích rờ hơn là nghe. Quần chúng thắng. Thầy thua.

 

Phêrô đang giặt lưới. Thầy ngoắt một cái, ông chống xuồng tới ngay. Thầy nhảy vội xuống xuồng. Phêrô đẩy vội xuồng ra khỏi bờ. Quần chúng hết rờ. Quần chúng thua. Thầy thắng … Bài giảng bắt đầu. Mọi người há mỏ để nghe, trố mắt để nhìn, nuốt từng lời, từng lời … Đã quá chừng!

 

Giảng vừa xong, quần chúng lội ào xuống nước để ôm lấy siêu sao. Nhưng không kịp. Mũi xuồng đã quay ra khơi. Quần chúng gọi ơi ới. Thầy làm bộ điếc không nghe.

Thầy bảo Phêrô ra khơi thả lưới. Ong sụ mặt xuống. Suốt đêm qua ôn hì hục thả lưới. Nhưng loài cá dường như có linh hồn, dường như chúng có trí khôn: chẳng con nào mắc lưới. Chưa về tới nhà, bà vợ đã vội vàng ra đón. Nhìn mặt ông thộn ra, bà cụt hứng …

 

Bây giờ ông chỉ muốn: ăn ba hột, uống vài xị, ngủ vùi cho tới tối luôn. Thế nhưng … một “ông thợ mộc” lại chỉ đạo cho một “ngư ông” đi thả lưới. Ngược đời! Dù vậy “ngư ông” vẫn vâng lời “ông thợ mộc” để ra khơi. Phêrô sợ Thầy buồn. Đơn giản chỉ có thế thôi. Ai ngờ cái ngược đời lại là ý trời. Hai xuồng cá đầy ắp làm rúng động dư luận làng chài. Chưa bao giờ dân chài được chứng kiến một mẻ cá như vậy. Nhưng chính mẻ cá kỳ diệu ấy lại chấm dứt cuộc đời đánh cá của Phêrô. Phêrô giải nghệ cùng với Giacôbê và Gioan. Họ bỏ mọi sự để theo Thầy.

 

Thầy kính mến. Hai xuồng cá đầy ắp đã làm rúng động cả xóm chài và làm cho xóm chài mất đi một số ngư phủ quen thân. Nhưng con thì cứ thờ ơ. Mẻ cá ấy chỉ là chuyện nhỏ, không đáng để bàn tán um sùm.

 

Con muốn hỏi nhỏ Thầy một câu: “Thầy có lạm phát khi thực hiện phép lạ này không?” Sở dĩ con hỏi hơi hỗn một tí như thế, vì phép lạ nào của Thầy cũng vì yêu thương hoặc vì niềm tin.

 

Thầy hóa bánh vì tội nghiệp quần chúng (Mc 6,34).

 

Thầy phục sinh Ladarô để “họ tin là Cha đã sai con” (Ga 11,42).

 

Thầy dẹp yên biển động để đề cao niềm tin: “Sao nhát thế, hỡi người kém tin (Mt 8,26).

 

“Lòng tin của anh đã cứu anh” cũng là lời đề cao niềm tin của người khiếm thị (Mc 10,52).

 

Còn phép lạ này thì vì động cơ nào?

 

Để cứu nhân độ thế chăng? Không!

 

Để xây dựng niềm tin cho Phêrô và các bạn của ông chăng? Không cần nữa. Phép lạ hóa nước thành rượu ở Cana đã quá đủ rồi.

 

Để gây quỷ truyền giáo chăng? Ngàn lần không, vì Thầy không cho phép môn đệ lo lắng về vật chất (Lc 10, 4-10.7)

 

Để hiểu rõ tâm hồn của Thầy, con phải đặt lại vấn đề. Người ta vẫn bảo con rằng: sau mẻ cá kỳ diệu, Thầy có bốn môn đệ đầu tiên. Con không đồng ý. Phải lùi lại chừng ba tháng, sẽ thấy rõ vấn đề. Vào cuối tháng Ba, khi chưa công khai truyền đạo, Thầy đã có năm đệ tử rồi, đó là Anrê, Gioan, Phêrô, Philip và Natanaen (Ga 1,35-51). Vậy tại sao đến cuối tháng Sáu, khi xảy ra phép lạ mẻ cá kỳ diệu, Luca mới đề cập đến việc Phêrô, Giacôbê, và Gioan (hiểu ngầm là có cả Anrê) bỏ mọi sự mà theo Thầy? Theo con hiểu thì:

 

Quả thật vào cuối tháng Ba (theo công trình nghiên cứu của Daniel Rops), Thầy đã chọn năm môn đệ đầu tiên. Họ cùng Thầy đi ăn cưới ở Cana. Họ đã chứng kiến phép lạ đầu tay của Thầy. Họ đã tin vào Thầy (Ga 2,11). Thế nhưng họ vẫn đu đưa giữa hai công việc: truyền đạo và nuôi gia đình. Cụ thể là ông Phêrô. Theo Thầy đi truyền đạo thì bà vợ nhăn nhó. Về nhà đi đánh cá, nuôi vợ con, thì Thầy không hài lòng. Nếu Thầy năn nỉ bà, thì bà cũng chỉ gãi tai và cười trừ: “Xin Thầy thông cảm”. Công việc truyền giáo thì cấp bách, mà người truyền giáo thì vừa quá ít, vừa đu đưa. Thầy thấy bức xúc quá chừng! Mà Thầy thì muốn họ phải tự nguyện.

 

Sau hai tháng chờ đợi họ tự nguyện. Nhưng Phêrô vẫn cứ gãi đầu gãi tai. Vợ của ông thì vẫn cứ “Xin Thầy thông cảm”. Không ai tự nguyện cả … Thế là Thầy ra tay gây một cú sốc về tâm lý, khiến Phêrô thoát ly gia đình 100%, mà lòng ông không bâng khuâng. Nhẹ tênh. Vợ của ông cũng không còn kỳ kèo, tiếc xót. Thoải mái. Bên gia đình ông Dêbêđê cũng vậy. Hai thằng con trai, hai lao động chính cùng ra đi một lúc, làm đảo lộn kế hoạch sinh nhai trong gia đình, ông Dêbêđê vẫn tỉnh bơ.

 

Thầy kính mến,

 

Thế là Thầy đã toại nguyện. Bốn người. Rồi năm người. Rồi mười hai người đã thoát ly gia đình 100%, để phục vụ Nước Trời. Con số ấy cứ tăng lên mãi. Hằng triệu người đã tận hiến đời mình cho Tin Mừng qua suốt dòng lịch sử. Phép lạ mẻ cá kỳ diệu là khởi đầu cho những ơn gọi 100% cho Tin Mừng. Mãi mãi nó vẫn là mạc khải nỗi lòng trăn trở của Thầy.

 

 

 Lm. Piô NGÔ PHÚC HẬU

 

Mục lục